Vụ đòi bồi thường 33 tỷ đồng vì tai biến sau mổ: Hòa giải bất thành

TP - Hôm 9/5, Tòa án nhân dân quận 5, TPHCM kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ đồng thời hòa giải theo quy định đối với vụ kiện giữa gia đình bệnh nhân Trịnh Quang Sơn và Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM. Tuy nhiên, hoà giải bất thành do hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Tại Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: L.N.

Người nhà nạn nhân nói cần sự thiện chí từ bệnh viện

Luật sư Nguyễn Minh Tường, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông Sơn cho biết, sau khi hai bên trình bày các chứng cứ, phía Toà án yêu cầu gia đình trình bày nguyện vọng của mình. Bà Võ Thị Cẩm Loan, vợ ông Sơn nói kể từ ngày chồng mình bị tai biến bác sĩ phẫu thuật chính cho ông Sơn gây ra tai biến là Trần Quốc Tuấn không gặp mặt gia đình để chia sẻ cũng như giải thích về “sự cố” tai biến. “Việc phải đưa vụ kiện ra toà là chuyện chẳng đặng đừng nhưng vì bệnh viện thiếu trách nhiệm nên chúng tôi mới làm như vậy”- bà Loan nói. “Chúng tôi muốn bệnh viện phải có thiện chí về những gì xảy ra với chồng tôi”, bà Loan nói thêm.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong chiều 9/5, đại diện phía Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM nói rằng họ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm cho bệnh nhân kể cả vấn đề chuyên môn và đạo đức của ngành y tế. Đại diện bệnh viện cũng cho rằng, từ tháng 7/2016, bệnh viện đã gửi thông báo đến gia đình là không thu viện phí với ông Trịnh Quang Sơn để thể hiện thiện chí. Tuy nhiên, bà Loan cho biết, những gì bệnh viện thông tin là không chính xác. “Phía bệnh viện gửi văn bản thông báo cho gia đình sẽ không thu viện phí đối với chồng tôi từ tháng 7/2016. Nhưng, trên thực tế họ vẫn gửi “Phiếu thông báo tạm ứng viện phí” đến ngày 1/3/2017 với số tiền đóng thêm 570 triệu đồng”, bà Loan nói. Vấn đề này, phía bệnh viện giải thích họ chỉ thông báo số tiền đến thời điểm tháng 3 phải chi phí điều trị cho ông Sơn là 570 triệu đồng và không yêu cầu gia đình phải đóng?!

Do gia đình yêu cầu bệnh viện có thiện chí và phân tích đúng sai trong ca mổ cho ông Sơn nhưng phía bệnh viện bảo vệ quan điểm của mình là ê kíp phẫu thuật đã làm đúng chuyên môn và quy trình dẫn đến cuộc hoà giải diễn ra hôm qua bất thành.

Bộ Y tế nhận định gì?

Một nguồn tin của Tiền Phong cho biết, ngày 17/4 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Khoa - Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế ký văn bản thông báo cho Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM và gia đình ông Sơn về kết luận của Hội đồng chuyên môn trong vụ tai biến xảy ra với ông Trịnh Quang Sơn tại Bệnh viện ĐH Y Dược năm 2015. Theo đó, thông báo cho biết việc chẩn đoán bệnh nhân bị rò động mạch cảnh xoang hang của phía Bệnh viện ĐH Y Dược và chỉ định can thiệp là đúng kỹ thuật, tuân thủ quy định của Bộ Y tế. “Phương pháp điều trị bằng can thiệp động mạch theo đường tĩnh mạch là phương pháp tối ưu và trên thế giới dùng phương pháp này”- công văn nêu đồng thời kết luận: “Tai biến xảy ra đối với người bệnh là không mong muốn nằm trong y văn với tỷ lệ tàn tật từ 2% đến 4%”.

Mặc dù trong công văn gửi cho gia đình từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh vào ngày 17/4 nhưng chị Trịnh Thị Thùy Dương, con ông Sơn cho biết, đến hôm qua (ngày 10/5), gia đình chưa nhận được. Trong khi từ kết luận của Bộ Y tế, bà Thùy Dương cho rằng, nếu đây là nội dung của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế kết luận thì kết luận này rõ ràng không đảm bảm tính khách quan và không trung thực. Nếu cho rằng bác sĩ Tuấn chẩn đoán đúng, chỉ định can thiệp cũng tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế thì tại sao bố tôi lại gặp phải tai biến thảm thương đến như vậy? Ngoài ra bà Dương cho rằng trường hợp tai biến trong phẫu thuật của bố mình nằm trong tỷ lệ rủi ro 2% đến 4% theo y văn thì Bộ Y tế cần phải làm rõ bác sĩ Trần Quốc Tuấn đã phẫu thuật được bao nhiêu ca và để xảy ra tai biến và gây tử vong hết bao nhiêu ca?!

Trước đó như Tiền Phong phản ánh, tháng 8/2015 ông Trịnh Quang Sơn, 55 tuổi, ngụ TPHCM đến Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM thăm khám và được chẩn đoán bị “rò động mạch chủ xoang hang”. Sau đó, ông được bác sĩ Trần Quốc Tuấn và ê kíp phẫu thuật. Tuy nhiên, 4 giờ sau phẫu thuật ông Sơn rơi vào trạng thái lơ mơ và một ngày sau bị tai biến khiến ông sống gần như thực vật. Gia đình đã khởi kiện ra toà yêu cầu bệnh viện phải bồi thường 33 tỷ đồng vì cho rằng tai biến của ông Sơn là do kíp mổ gây ra.

Trao đổi với phóng viên về kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, luật sư Nguyễn Minh Tường cho biết, việc Bộ Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn nhưng không thông báo cũng không mời gia đình chứng kiến và không khám nghiệm thực tế tình trạng hiện tại của ông Sơn mà chỉ căn cứ trên thông tin bệnh viện cung cấp là thiếu khách quan và không đúng quy định pháp luật.