Vụ chìm tàu ở Cần Giờ: Tiễn biệt một người cao thượng

TP - Lúc 8h15 phút sáng 6/8, thi thể anh Trần Hữu Hiệp, người cởi áo phao, nhường mạng sống cho bạn gái đi cùng trong vụ ca nô gặp nạn tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) được đưa về quê nhà tại thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

> Mổ xẻ nguyên nhân vụ chìm tàu làm 9 người chết
> Nhìn từ vụ đắm tàu

Lỡ hẹn

Anh Hiệp là con thứ 3, cũng là con út, trong gia đình thuần nông. Bố là ông Trần Hữu Trọng (SN 1957), bộ đội phục viên; mẹ là Nguyễn Thị Thìn (SN 1958) làm nông. Ở vùng quê còn nhiều khó khăn này, ngoài việc trồng lúa đủ gạo ăn, người dân không có nhiều nghề phụ để mưu sinh. Gia đình anh Hiệp cũng vậy. Để nuôi được ba anh em Hiệp ăn học, ngoài 6 sào ruộng lúa, gia đình ông Trọng phải vay mượn, chăn nuôi thêm. Trong ba anh em trai thì anh Hiệp được mọi người khen đẹp trai nhưng ít nói nhất nhà.

Bà Thìn đau đớn gọi tên con. Ảnh: Hoàng Lam.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Hóa chất Phú Thọ năm 2008, anh Hiệp làm việc tại Hà Nội một thời gian, năm 2011, được nhận vào làm tại Công ty Sản xuất ống thép dầu khí Tiền Giang.

Mới đi làm được hơn 2 năm, anh Hiệp hẹn sẽ gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ lo đám cưới cho anh trai. Vất vả với ruộng đồng, chăn nuôi thì liên tục bị thiệt hại nên ông bà Thìn- Trọng già trước tuổi. Ông Trọng thì bị bệnh cột sống, bà Thìn bị bệnh tuần hoàn não, sức khỏe đã yếu. Chưa kịp mừng cho con tìm được công việc nơi xứ người thì chuyện đau buồn xảy ra.

Nghe tin anh tử nạn trên biển, người thân đau đớn. Khi chiếc xe chở quan tài Hiệp nằm vừa dừng lại trước cổng ngôi nhà cấp 4 mái ngói cũ kỹ của gia đình, hàng trăm người gọi tên anh trong nước mắt. Bà Thìn gượng dậy chạm tay vào quan tài con lần cuối, ông Trọng thì thất thần đứng nhìn mọi người làm lễ tiễn đưa con. Trong số những người đến đưa tiễn Hiệp, có nhiều bạn trẻ, học sinh trên địa bàn huyện, xã. Những bạn trẻ này lặng lẽ tham gia các công việc khênh vòng hoa, bát hương, di ảnh… Cũng trong tang lễ của Hiệp, đại diện lãnh đạo xã Thạch Long, Huyện Đoàn Thạch Thành… cũng có mặt phúng viếng, đưa tiễn.

Hành động đẹp lan tỏa

Ở xóm nơi anh Hiệp sinh ra tọa lạc dưới chân đồi Hang Ma. Nghe người dân kể, đồi Hang Ma được gọi là đồi thiêng vì trên đồi có một tấm đá lớn phẳng cao hơn 10 m kéo xuống chân đồi tạo nên một khe sâu. Vào những ngày trời động mưa, có ánh nắng, nhìn vào vòm đồi này thấy một người cưỡi trâu vàng xuất hiện thoáng qua rồi biến mất.

Ông Lê Đức Thủy - trưởng thôn 4, xã Thạch Long (là một trong những người tham gia công việc tang lễ của anh Hiệp) cho biết: “Hiệp được tìm thấy lúc 17h20 phút ngày 4/8. Đến 2h ngày 5/8, sau khi làm xong thủ tục khâm liệm tại bệnh viện, Hiệp được phía Công ty, cơ quan chức năng cùng người thân đưa về quê. Người thân trong gia đình kể lại rằng, khi gia đình đang làm thủ tục khâm liệm tại bệnh viện, thì có một phụ nữ trẻ đang mang thai được chồng đưa đến, khóc thương Hiệp. Người phụ nữ này kể trong nước mắt rằng, chị là một trong những người được Hiệp kéo vào thành ca nô để bám giữ, khỏi bị sóng cuốn đi. Chị này cũng kể cho người thân của gia đình Hiệp biết là, ngoài việc cởi áo phao cho một phụ nữ trên cùng chuyến đi gặp nạn, anh Hiệp cũng tìm cách kéo 3 người khác đang chới với, đưa vào bám thành ca nô để đợi cứu hộ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Đình Nguyệt - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Long cho biết: Những ngày qua, cấp ủy, chính quyền địa phương có mặt kịp thời để động viên, chia sẻ cũng như hỗ trợ những công việc cần thiết đối với gia đình ông Trọng trong việc tang lễ cho Hiệp. Qua phương tiện thông tin, lãnh đạo và nhân dân xã Thạch Long xúc động trước hành động cởi áo phao nhường mạng sống cho người khác. Chúng tôi mong muốn, việc làm của Hiệp sẽ được ghi nhận như một tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay.

Trò chuyện với Tiền Phong, ông Trần Hữu Trọng bùi ngùi: Vừa qua, trong dịp làm lễ ăn hỏi của anh trai, Hiệp có điện thoại về cho gia đình hẹn sẽ về để dự đám cưới của anh vào cuối năm. Ai ngờ, cháu lại trở về nhà sớm theo cách này.

Đề nghị khởi tố vụ lật tàu khiến 9 người chết

Nhận định vụ chìm tàu H29-BP tại biển Cần Giờ, TPHCM ngày 2/8 là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hôm qua 6/8, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TPHCM có công văn khẩn gửi Bộ Công an đề nghị xem xét khởi tố vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công văn trên cũng đồng thời gửi cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về việc xử lý vụ chìm tàu.

Theo UBND TPHCM, vụ chìm tàu diễn ra lúc 21g38 ngày 2/8 tại cửa biển khu vực Cồn Ngựa, vùng biển xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 10km và cách bờ biển Cần Giờ khoảng 20km. Những thông tin thu thập được cho thấy tàu chở 30 người của Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí VN ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Đơn vị này thuê tàu của Công ty Việt - Czech Technology J.S ở TP Vũng Tàu do tài công Phạm Duy Phúc và thợ máy Nguyễn Văn Dương điều khiển, chở công nhân đi dự đám cưới và nghỉ mát tại Vũng Tàu. Trên đường từ Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang về Vũng Tàu đến khu vực Cồn Ngựa thì bị chìm. Lực lượng chức năng cứu sống được 21 người, 9 người thiệt mạng.

Triệu tập tài công để lấy lời khai

Chiều 6/8 tại trụ sở Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, Cảng vụ TPHCM đã triệu tập 2 tài công là Lê Văn Hiếu và tài công tên Bảo lái ca nô BP14.04.01 và một ca nô khác do Công ty Cổ phần Việt- Séc đóng mới chưa bàn giao để làm rõ một số vấn đề xung quanh việc điều khiển sử dụng ca nô chở người từ Gò Công Đông (Tiền Giang) tới TP Vũng Tàu và ngược lại… Được biết hai ca nô trên cùng ca nô H29-BP chở tổng cộng 65 người của Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (PV Pipe) từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu chiều tối 2/8. Ca nô H29-BP chở 30 người đã bị chìm khiến 9 người chết. Một số nhân chứng cho biết 2 ca nô trên đã không cứu giúp ca nô H29-BP bị nạn. Công ty cổ phần Việt - Séc thì cho biết, tài công Phạm Duy Phúc, SN 1959 lái ca nô H29-BP đã chết trong vụ tai nạn này là người rủ hai tài công Hiếu và Bảo lấy ca nô sang Gò Công Đông chở CBCNV của PV Pipe (ông Phúc hợp đồng thử việc thời gian 1 tháng ở Công ty Việt - Séc và chưa lĩnh lương lần nào). Còn theo một báo cáo của cơ quan chức năng Bà Rịa - Vũng Tàu, 15giờ ngày 2/8 ông Quyết (Đinh Văn Quyết) Công ty Vũng Tàu Marina( KCN Đông Xuyên TP Vũng Tàu) hỏi mượn ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty công nghệ Việt - Séc 3 ca nô để đi đón công nhân của PV Pipe tại KCN Soài Rạp, Kiến Phước, Gò Công Đông, Tiền Giang.

Theo Báo giấy