Nhiều ngày qua, dư luận đang bức xúc trước tình trạng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, khiến đời sống của ngư dân trong vùng gặp rất nhiều khó khăn. Bà đánh giá ra sao về thực trạng này?
Điều đáng bàn là đến giờ phút này vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân khiến ngư dân không dám đi đánh bắt cá, đánh bắt về cũng không bán được, mà người mua cũng không phân biệt được cá nào là cá sống, cá nào chết, cá nào bị nhiễm độc, cá nào không… Dẫn đến đời sống của người dân lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn.
Vậy theo bà các cơ quan chức năng phải làm gì ngay lúc này?
Tôi mong các cơ quan chức năng phải khẩn trương tìm ra nguyên nhân để người dân yên tâm. Đặc biệt, là ống xả thải dưới biển, phải làm rõ xem có đúng theo cấp phép không. Việc theo dõi, đánh giá xả thải ra môi trường diễn ra như thế nào ?... Tất cả những vướng mắc này cần phải làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng càng sớm càng tốt.
Cũng có ý kiến cho rằng, chính sự chậm trễ này có thể giúp người ta thay đổi hiện trạng hòng thoát tội, bà nghĩ sao?
Sự chậm trễ vào cuộc có thể khiến người ta thay đổi kết quả, còn thay đổi tới mức độ nào thì phải cơ quan có chuyên môn kiểm định. Nhưng nếu người ta đã gian dối thì chắc chắn có sự thay đổi? Cũng như tôi nói, cái thiết kế ban đầu có thể bảo đảm vì việc phê duyệt rất kỹ, nhưng quá trình thực thi có biến tướng không, có thay đổi chưa? Người cấp phép ban đầu có theo dõi không? Có định kỳ kiểm tra không?... Theo tôi, đó mới là vấn đề.
Tại các khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài hiện nay, cần kiểm tra, thẩm định rõ ràng, đầy đủ, có sự theo dõi xuyên suốt và phải có quy trách nhiệm. Các cơ quan chức năng phải làm hết nhiệm vụ của mình, tuyệt đối không để tình trạng cha chung không ai khóc.
Cảm ơn bà.