Vụ ám sát hụt tổng thống Mỹ suýt bị lịch sử lãng quên

TPO - Khi chuyên cơ Không lực Một chở vợ chồng Tổng thống Bill Clinton gần đến Manila vào ngày 23/11/1996 thì Mật vụ Mỹ nhận được thông tin tình báo sốc: Một thiết bị nổ đã bị gài trên tuyến đường nơi đoàn xe sẽ đi qua để vào thủ đô của Philippines.

Tổng thống Bill Clinton đến dự thượng đỉnh APEC ở Manila tháng 11/1996. (Ảnh: Reuters)

Nhanh chóng hành động, các đặc vụ chuyển sang tuyến đường dự phòng để đến khách sạn, ngăn chặn âm mưu của al Qaeda nhằm ám sát Tổng thống Mỹ vài phút sau khi ông đến để tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thường niên.

Khi đoàn xe chạy theo tuyến đường dự phòng trong tình trạng tắc nghẽn giao thông, lực lượng an ninh Philippines gỡ được một quả bom cực mạnh trên cây cầu mà đoàn xe định chọn, và một chiếc SUV bị bỏ lại gần đó có chứa nhiều khẩu AK-47, bốn đặc vụ đã nghỉ hưu kể với Reuters.

Vụ ám sát được đề cập ngắn gọn trong các cuốn sách xuất bản năm 2010 và 2019.

Giờ đây, 8 nhân viên mật vụ đã nghỉ hưu, 7 người trong số họ ở Manila, kể lại câu chuyện chi tiết nhất từ trước đến nay về kế hoạch thất bại.

Một số nhân viên mật vụ được Reuters phỏng vấn nói rằng âm mưu ám sát ở Manila vẫn để lại những câu hỏi chưa được giải đáp.

“Tôi luôn tự hỏi tại sao tôi không được yêu cầu ở lại Manila để theo dõi bất kỳ cuộc điều tra nào. Họ điều tôi đi ngay sau khi vợ chồng Tổng thống Clinton rời đi”, Gregory Glod, người đứng đầu cơ quan tình báo của Sở Mật vụ ở Manila, cho biết.

“Đã có một sự cố. Nó chưa được giải mật”, người phát ngôn Sở Mật vụ Mỹ Anthony Guglielmi nói.

Ông Guglielmi từ chối cho biết Mỹ có hành động gì để đáp trả âm mưu trên hay không.

Cựu Tổng thống Clinton không phản hồi đề nghị bình luận gửi qua người phát ngôn và Quỹ Clinton.

Cựu Giám đốc CIA Leon Panetta, chánh văn phòng của Tổng thống Clinton thời điểm đó, cho biết ông không biết về vụ việc nhưng âm mưu ám sát tổng thống cần được điều tra.

“Với tư cách là cựu chánh văn phòng, tôi rất muốn tìm hiểu xem liệu có ai đó đã gạt thông tin này sang một bên và không báo cáo với những người lẽ ra phải biết điều gì đó như thế đã xảy ra hay không”, ông Panetta nói.

FBI từ chối bình luận về âm mưu ám sát ở Manila.

Chân dung Ramzi Yousef. (Ảnh: Reuters)

Đáp trả muộn màng

Bốn cựu quan chức Mỹ, bao gồm Đại sứ tại Manila thời điểm đó Thomas Hubbard, xác nhận cuộc tấn công đã thất bại, nhưng họ cũng không biết về bất kỳ cuộc điều tra hoặc hành động tiếp theo nào của Mỹ.

Glod cho biết, cơ quan tình báo Mỹ sau đó đánh giá rằng âm mưu này được các thành viên al Qaeda và nhóm Abu Sayyaf, với thành viên là những người Hồi giáo Philippines, lên kế hoạch và sắp xếp theo lệnh của bin Laden.

Bốn nhân viên Mật vụ nói với Reuters rằng Ramzi Yousef - kẻ chủ mưu có liên hệ với al Qaeda trong vụ tấn công đầu tiên vào Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 và là cháu trai của kẻ sắp xếp vụ tấn công 11/9 Khalid Sheikh Mohammed, có mặt ở Manila vài ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Clinton năm 1994.

Khalid Sheikh Mohammed là kẻ đã huấn luyện cho các tay súng của Abu Sayyaf. Yousef đang thụ án chung thân cộng thêm 240 năm tù trong nhà tù được canh giữ tối đa ở Colorado.

Một biên bản của FBI về cuộc thẩm vấn đầu tiên với Yousef sau khi ông bị bắt năm 1995 cho biết nhân vật này đã khảo sát các địa điểm ở Manila mà truyền thông đưa tin Tổng thống Clinton sẽ đến thăm. Yousef "nói rằng anh ta đang cân nhắc việc đặt thiết bị nổ ở một vị trí dọc theo tuyến đường của đoàn xe".

Bản ghi nhớ cho biết cuối cùng Yousef kết luận rằng có quá nhiều biện pháp bảo mật và không đủ thời gian cho một cuộc tấn công.

Ba nhân viên Mật vụ cho biết họ Yousef chuyển sang lên kế hoạch tấn công vào năm 1996, vì thời điểm tổ chức thượng đỉnh APEC đã được tiết lộ từ cuối năm 1994.

Philippines khi đó đang phải đương đầu với các cuộc nổi dậy trong nước. Cảnh sát phát hiện một quả bom tại sân bay Manila và một quả bom khác tại trung tâm hội nghị nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Vịnh Subic vài ngày trước khi vợ chồng Tổng thống Clinton đến. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo về mối đe dọa nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Manila một ngày trước khi vợ chồng Tổng thống bay tới.

Mãi cho đến khi 220 người chết trong vụ đánh bom của al Qaeda vào đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania vào tháng 8/1998, chính quyền Clinton mới đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn bin Laden lên kế hoạch cho các cuộc tấn công tiếp theo.

Theo Reuters