Làm giả giấy tờ
Ngày 31/8, Tổng cục Hải quan đã thông tin chính thức liên quan đến vi phạm trong vụ việc nhập khẩu phế liệu của DNTN sản xuất bao bì Trường Thịnh và Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt.
Theo Tổng cục Hải quan, qua công tác quản lý nhà nước về hải quan và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã trực tiếp phát hiện hai doanh nghiệp trên có hành vi làm giả, sử dụng chứng từ giả (Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan; Giấy xác nhận ký quỹ) để nhập khẩu trái phép phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam qua các cửa khẩu tại TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và tỉnh An Giang.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 9/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, những giấy tờ trên bắt buộc doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục hải quan, thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu của Tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 189 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017);
Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 5, Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự, ngày 28/8/2018, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ban hành các Quyết định số 15/QĐ-ĐTCBL và Quyết định số 16/QĐ-ĐTCBL khởi tố vụ án về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra tại DNTN sản xuất bao bì Trường Thịnh và Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt.
Cục Điều tra chống buôn lậu cũng ban hành Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL và 02/QĐ-ĐTCBL Quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án nêu trên đến Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an để thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.
Sau khi Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) khởi tố vụ án; Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng có liên quan. Do vụ án đang trong giai đoạn điều tra, Tổng cục Hải quan chỉ cung cấp được một số thông tin bước đầu cho các cơ quan báo chí.
Phế liệu ùn ứ do Bộ Tài nguyên và Môi trường không công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn
Tại cuộc họp báo Chính phủ tối 30/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, việc có nhiều container phế liệu nhập khẩu vào nước ta là do nhu cầu của doanh nghiệp trong sản xuất giấy, thép. Đây là việc hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, khi ngành hải quan kiểm tra làm thủ tục phát hiện rất nhiều container vô chủ, giấy phép nhập khẩu, giấy giám định thư đều không đúng với đăng ký ban đầu.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã không công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá thế nào là hàng phế liệu nhập khẩu, thay vào đó chỉ là văn bản hướng dẫn nên không đủ thẩm quyền, tính pháp lý. Điều này theo ông Dũng, quản lý Nhà nước vấn đề này cần xem xét lại.
Ông Dũng cũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát lại quá trình nhập khẩu phế liệu trong đó Bộ Tài nguyên được giao chủ trì thanh tra. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an tiến hành điều tra, xem xét tổng thể vấn đề để báo cáo Thủ tướng khách quan hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, kim ngạch nhập khẩu phế liệu nhựa, giấy và sắt thép là khoảng 4,6 triệu tấn. Tới năm 2017, lượng hàng hóa trên nhập khẩu đã lên hơn 6,5 triệu tấn.
Đáng chú ý, trong vòng nửa đầu năm nay, lượng nhựa, giấy và sắt thép phế liệu về Việt Nam đã lên tới hơn 4 triệu tấn.
Phế liệu ồ ạt nhập về từ đầu năm tới nay khiến nhiều cảng biển Việt Nam bị ùn tắc nghiêm trọng. Trong đó, tại Cảng Cát Lái (TP.HCM), đến ngày 25/7/2018 đang tồn đọng 3.579 container phế liệu.
Còn theo Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến 1/8/2018, tại khu vực cảng Hải Phòng có 1.000 container phế liệu tồn đọng (quá hạn làm thủ tục 90 ngày).