Vẻ đẹp voọc
Với nhiều người Sài Gòn, lần đầu tiên họ được chúng kiến những tấm ảnh chuyên về loài voọc chà vá chân nâu - Báu vật của bán đảo Sơn Trà. Những tấm ảnh chụp không chỉ khá chi tiết về đời sống loài voọc mà còn phản ánh được vẻ đẹp hoang sơ của bán đảo Sơn Trà - Nơi sinh sống của loài voọc quý này. Những cánh rừng xanh bạt ngàn, những tán lá xum xuê của cách rừng và xa xa là một TP Đà Nẵng đang ngày một phát triển. Bà Lê Cẩm Tú - Chủ tịch hội Di sản TPHCM chỉ biết tấm tắc trước những tấm ảnh độc đáo này: “Quá đẹp! Sơn Trà thực sự là một nơi thắng cảnh tuyệt vời, một nơi lưu giữ những vẻ đẹp của thiên nhiên hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà còn với thế giới. Chúng ta phải làm mọi cách để giữ gìn vẻ đẹp này cho các thế hệ mai sau”.
Nhiếp ảnh gia Lê Phước Chín cho biết, để thực hiện bộ ảnh về voọc, anh mất hơn 18 tháng trời, nhiều ngày lên núi từ sáng sớm săn voọc. “80% sinh hoạt đời sống của loài voọc này giống con người, chúng sống có bầy đàn, có kỷ luật. Như khi đi kiếm ăn, con đực đầu đàn luôn lên chỗ cao nhất quan sát, thấy bình yên mới cho các con cái, con nhỏ đi. Khi qua đường cũng thế, cả đàn luôn đi có thứ tự” - Lê Phước Chín cho biết. Từ chỗ say mê chụp voọc, Lê Phước Chín đã có được bộ ảnh hơn 5.000 tấm ảnh và hơn 500 clip về rất nhiều sinh hoạt của loài voọc, trong đó nhiều tấm ảnh độc, như ảnh sinh hoạt của gia đình voọc, ảnh voọc vui chơi, ảnh voọc buồn vì... thất tình... Đó là chưa kể rất nhiều lần Lê Phước Tứ livestream cho mọi người xem trực tiếp những cảnh rất chân thực, sống động về loài quý hiếm này... Bộ sưu tập voọc của Lê Phước Chín được nhiều tạp chí trong, ngoài nước đặt mua, thậm chí dịp APEC vừa qua, có những tấm được chọn để triển lãm cho các nguyên thủ thưởng ngoạn.
Chiến đấu vì ngôi nhà của voọc
Lê Phước Chín đưa ảnh voọc tới TPHCM không phải để khoe vẻ đẹp của loài voọc quý mà anh muốn thông qua vẻ đẹp đó để cho mọi người chú ý tới ngôi nhà của voọc: Đó chính là bán đảo Sơn Trà. Lê Phước Chín kể: “Tôi đi săn ảnh voọc, thấy có công trình đang xây dựng tại Sơn Trà, tôi muốn vào chụp hình bên trong nhưng bảo vệ không cho chụp. Tôi đành phải leo lên chỗ thật cao của bán đảo để lia ống kính xuống. Về nhà tôi đã đưa lên facebook của mình với lời bình “Sơn Trà vì sao bị cày xới, ai biết không?”. Từ đó đã làm dấy lên dư luận và nhiều người đã vào cuộc để đấu tranh cho Sơn Trà”.
Người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Lê Phước Chín là ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Từ góc nhìn của một người làm du lịch, ông khẳng khái nói lên tiếng để bảo vệ một Sơn Trà nguyên sơ mà theo ông: Chỉ có giữ nguyên vẹn Sơn Trà thì mới có thể phát triển du lịch bền vững.
Một người đồng hành khác với Lê Phước Chín là ông Bùi Công Dụng. Vừa là nhà văn, vừa là công chức nên khi cuộc đấu tranh với một bên là những người mong muốn gìn giữ nguyên sơ Sơn Trà và một bên muốn quy hoạch Sơn Trà thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp lên tới đỉnh điểm, ông Dụng đã vào cuộc, đưa ra trước công luận những văn bản chứng minh việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà là vi phạm. Cuốn sách Ký sự Sơn Trà do Bùi Công Dụng thực hiện với hơn 40 bài viết phân tích, phản biện gai góc về vấn đề Sơn Trà đã gây tiếng vang trong dư luận. Các cơ quan công quyền phải vào cuộc, xem xét lại việc quy hoạch Sơn Trà. Ra mắt cuốn sách tại Sài Gòn, nhà văn mong muốn mọi người ủng hộ để cho cuộc chiến đấu gìn giữ Sơn Trà sẽ đi đến thắng lợi.
Trong ngày Môi trường thế giới 23/11, tại TPHCM bên cạnh những tấm ảnh về voọc chà vá chân nâu, cả Lê Phước Chín, Huỳnh Tấn Vinh, Bùi Công Dụng đã cùng nhau ký vào cuốn sách ảnh độc bản “Báu vật Sơn Trà”, đưa ra đấu giá ủng hộ cho quỹ Nghiên cứu và phát triển Sơn Trà. Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, hiện đã có hơn 15 ngàn người ký tên ủng hộ việc giữ nguyên bán đảo Sơn Trà. Nhưng không chỉ có 15 ngàn người mà tại đường sách, rất nhiều người ủng hộ bằng việc đăng ký, mua cuốn sách ảnh Báu vật Sơn Trà và Ký sự Sơn Trà. Đã có người ủng hộ cho quỹ Nghiên cứu phát triển Sơn Trà 50 triệu đồng. Riêng cuốn độc bản Báu vật Sơn Trà được bán với giá 31 triệu đồng.
Có mặt tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết: “Sơn Trà là lá phổi xanh của Đà Nẵng, là đời sống văn hóa, là tâm linh của Đà Nẵng. Không chỉ thế, Sơn Trà còn lưu giữ hơn 300 loài động vật, hơn 100 loài thực vật độc đáo trong đó có nhiều loại quý hiếm. Đặc biệt, loài voọc chà vá chân nâu Sơn Trà được ví như Gấu trúc Trung Quốc hay Chuột túi Úc. Nếu phá Sơn Trà, đồng nghĩa môi trường voọc chà vá chân nâu bị hủy hoại. Lúc đó, liệu loài này có thể tồn tại hay không?”.