Quảng Nam: Phục hồi sinh cảnh cho Voọc chà vá chân xám

Voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam
Voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam
TPO - Ngày 10/8, Sở NN&PT NT Quảng Nam cho biết đơn vị vừa báo cáo lên UBND tỉnh về việc bảo vệ đàn Voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam).

Theo đó, đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh rừng (khoảng 80 ha) kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà huyện Núi Thành để tạo sinh cảnh cho đàn Vọoc chà vá chân xám sinh sống tại nơi đang phân bố.

Giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động của đàn Voọc chà vá chân xám về số lượng, vùng hoạt động, kết hợp với công tác tuần tra chống săn bắt và phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại khu vực này để quản lý bảo tồn loài và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về loài; tăng cường quản lý bảo vệ diện tích rừng tự nhiên tại xã Tam Trà - khu vực tiếp giáp với khu rừng ở xã Tam Mỹ Tây, nơi đàn Voọc chà vá chân xám đang sinh sống nhằm tạo sinh cảnh để đàn Voọc di chuyển sang sinh sống và phát triển.

Ngoài ra, đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật để thực hiện việc kết nối sinh cảnh cho đàn Voọc chà vá chân xám đến khu vực thượng nguồn rừng phòng hộ Phú Ninh, và kêu gọi các cơ quan của Chính phủ, tổ chức, cá nhân và các nhà tài trợ Quốc tế hỗ trợ kinh phí và cùng hợp tác trong công tác bảo tồn Voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam nói chung và khu vực huyện Núi Thành nói riêng...

Theo Sở NN&PT NT Quảng Nam, đàn Voọc chà vá chân xám tại Hòn Dồ, thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đã được phát hiện và được Chi cục Kiểm lâm theo dõi từ những năm 2000. Do tác động của cộng đồng địa phương tại đây như xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất (lấy đất trồng rừng) nên sinh cảnh sống của loài này bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến số lượng cá thể trong các quần thể Voọc chà vá chân xám. Hiện nay đàn Voọc này có khoảng 16 - 20 cá thể sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên nghèo khoảng hơn 5 ha và đang chịu áp lực tác động của người dân địa phương rất lớn, ảnh hưởng của thời tiết…

Tại Quảng Nam, loài này có phân bố về phía Trung và Nam của tỉnh như tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn,… quần thể số lượng lớn nhất tập trung tại khu vực rừng Hòn Mỏ, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn (thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi), số lượng quần thể khoảng hơn 200 cá thể.

Trước đó, nhiều người dân phản ánh đàn Voọc chà vá chân xám khoảng 20 cá thể sống trên cụm rừng tự nhiên còn sót lại ở xã Tam Mỹ Tây bị lãng quên trong khi số lượng đàn Voọc giảm dần và điều kiện môi trường bị tác động ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của đàn Voọc.

MỚI - NÓNG