Nhà sản xuất ô tô đến từ Thụy Điển cho biết điều kiện thị trường là lý do chính khiến họ quyết định từ bỏ mục tiêu đã công bố cách đây ba năm. Động thái diễn ra trong bối cảnh nhu cầu xe điện tại một số thị trường lớn chậm lại cũng như sự gia tăng của hàng rào thuế quan đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Volvo hiện thuộc sở hữu phần lớn của tập đoàn sản xuất ô tô Trung Quốc Geely. Do sử dụng các nhà máy tại Trung Quốc nên hãng này cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế nhập khẩu đối với xe điện sản xuất tại quốc gia tỷ dân khi vào châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, Volvo cũng cho biết môi trường kinh doanh xe điện đã thay đổi do các yếu tố như việc triển khai cơ sở hạ tầng sạc chậm cũng như việc cắt giảm các ưu đãi cho người tiêu dùng từ các thị trường lớn. Tất cả đã khiến nhu cầu tiêu thụ của dòng xe này ngày càng suy giảm.
Dẫu vậy, Volvo vẫn tin rằng tương lai của hãng cũng như toàn ngành công nghiệp ô tô là điện khí hóa. Theo đó, hãng kỳ vọng ít nhất 90% sản lượng của mình vào năm 2030 sẽ bao gồm cả xe điện và xe hybrid cắm sạc (PHEV) đồng thời lùi mục tiêu chỉ bán xe điện sang năm 2040.
"Chúng tôi kiên quyết tin rằng tương lai của hãng sẽ là điện khí hóa. Tuy nhiên, rõ ràng là quá trình chuyển đổi sang điện khí hóa sẽ không diễn ra theo đường thẳng, và khách hàng cũng như thị trường đang đi với tốc độ khác nhau", Jim Rowan - giám đốc điều hành của Volvo chia sẻ.
Không chỉ Volvo mà ngay cả các tập đoàn ô tô lớn mạnh hàng đầu thế giới như General Motors và Ford cũng đã phải từ bỏ tham vọng sản xuất xe điện do thị trường đi xuống.
Cụ thể, Ford đã thông báo hồi tháng 8 rằng họ sẽ hủy bỏ kế hoạch sản xuất SUV 3 hàng ghế chạy hoàn toàn bằng điện đồng thời hoãn việc ra mắt xe bán tải điện thế hệ tiếp theo. Trong khi đó, General Motors cũng đã cắt giảm mục tiêu sản xuất xe điện trong năm ngoái.