Trong một kỳ nghỉ ở bãi biển, loài sên biển có nọc độc có lẽ không nằm trong danh sách không thể bỏ qua của những người đi nghỉ mát. Đó chính xác là những gì anh Erick Yanta, cư dân thành phố San Antonio, bang Texas, đã bắt gặp trong chuyến đi đến đảo Mustang ở vịnh Mexico gần thành phố Corpus Christi, bang Texas.
Trong khi đi dạo dọc theo bãi biển, Yanta và vợ anh, Anna, phát hiện một sinh vật nhỏ màu xanh và trắng dài không quá 1 inch (2,54 cm) đang bám vào tảng đá. Anh vớt sinh vật nhỏ lên để xem xét kỹ hơn và quay phim trước khi cẩn thận đặt nó trở lại nước.
Lúc đó, Yanta không biết là vợ chồng anh đã bắt gặp loài Glaucus atlanticus có nọc độc, thường được gọi là “rồng xanh”. Yanta nói: “Chúng tôi đã thấy nhiều loài sứa giống như loài thủy tức, nhưng chưa bao giờ thấy loài này”.
Ngay sau khi quay video, Yanta đăng lên mạng Reddit để người dùng có thể giúp anh nhận dạng con vật.
Thích nghi để tránh loài săn mồi
Giáo sư David Hicks, Hiệu trưởng Trường Khoa học Trái đất, Môi trường và Hàng hải thuộc Đại học Texas Rio Grande Valley ở thành phố Edinburg, bang Texas, cho biết “rồng xanh” là một loại sên biển thường sống trên bề mặt đại dương.
Sên biển “rồng xanh” (còn gọi là sên rồng) có phần dưới màu xanh dương tươi sáng và màu bạc nhẹ nhàng hơn trên lưng, giáo sư Hicks nói. Ông giải thích, màu xanh ở mặt dưới của sên biển giúp chúng hòa lẫn trong môi trường nước, trong khi màu xám bạc hòa lẫn với mặt biển - một đặc điểm tiến hóa giúp động vật tránh được động vật săn mồi.
Sên biển có thể được tìm thấy ở hầu hết các bãi biển ở vĩ độ nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhưng kích thước nhỏ của chúng có nghĩa là hầu hết những người đi biển không nhìn thấy chúng, giáo Hicks nói.
Ông Hicks cho biết: “Sên biển cũng là loài thân mềm, nên chúng thường bị vỡ ra khi đi qua vùng lướt sóng và trôi dạt vào bờ”.
Nọc độc
Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng “rồng xanh” có khả năng tấn công khá mạnh bằng nọc của chúng. Giáo sư Hicks cho biết, loài động vật này ăn những sinh vật như loài thủy tức có nọc độc và lưu trữ các tế bào đốt chích của con mồi, trong túi ở đầu các xúc tu, ông nói. “Rồng xanh” sẽ sử dụng các tế bào này để bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi, và con người đôi khi vô tình bị chúng đốt.
Giáo sư Hicks cho biết, cảm giác đau đớn khi bị “rồng xanh” đốt tương tự như vết đốt của loài thủy tức có nọc độc, có thể khá đau đớn và trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng sau đốt chích có thể bao gồm buồn nôn và nôn, theo tổ chức American Oceans. Nếu bị “rồng xanh” đốt, tốt nhất nên đến bệnh viện để điều trị.
Yanta không biết rằng con “rồng xanh” mà anh tìm thấy có nọc độc và sau đó bật cười khi nhận ra thứ mình cầm trên tay.