Vỡ nợ dây chuyền ở 'thánh địa vàng' Phước Sơn

Cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở “thiên đường vàng” Phước Sơn đang bị đảo lộn, nhiều người đã có ý nghĩ tiêu cực khi rơi vào đường cùng do vỡ nợ dây chuyền.
"Thị trưởng" Khâm Đức - Đỗ Ngọc Thắng đã thành con nợ của nhân dân.

Mọi chuyện bắt đầu từ Besra - tập đoàn khai thác vàng với 2 công ty nổi tiếng là Bồng Miêu và Phước Sơn ở Quảng Nam bỗng dưng “trở mặt”, xù nợ tiền tỷ, không những của công ty Quảng An - đối tác hơn 10 năm nay của mình, mà còn cả với những tư thương chỉ bán từng ổ bánh mì, từng bó rau, ký bún ngoài chợ.

“Thiên đường vàng” sụp đổ

Phước Sơn từng được biết đến là "thánh địa vàng". Từ những năm 90, trung tâm huyện lỵ Khâm Đức được ví như một thị trấn miền viễn tây nước Mỹ đầu thế kỷ 19. Bấy giờ, Phước Sơn là nơi quần tụ của hàng vạn người khắp nơi trong nước. Con đường mòn từ thị trấn Khâm Đức vào các bãi vàng Phước Đức, Phước Thành, Phước Kim, Phước Chánh... lúc nào cũng ken kín dòng người nối đuôi nhau, với giấc mộng đổi đời.

Thuở đó, Phước Sơn còn trong tình trạng mất kiểm soát với nạn khai thác vàng trái phép. Tình hình an ninh trật tự rối ren, "chiến sự" liên tục nổ ra với những vụ trọng án thanh toán nhau bằng dao chém, mìn nổ. Người chết gần như xảy ra liên tục trong những vụ tranh giành lãnh địa, hầm mỏ. Hiện còn cả một nghĩa địa phu vàng với hàng chục nấm mồ hoang ngay tại sân bay dã chiến Khâm Đức. Nhưng bất chấp tất cả, dòng người tứ chiếng vẫn ùn ùn đổ về Phước Sơn.

Với địa phương, thị trấn miền núi Khâm Đức trở thành một “thiên đường”. Từ thuốc phiện, mại dâm cho đến những thứ xa xỉ tưởng chừng chỉ có ở đô thị phồn hoa thì tại đây, phẩy tay là có. Hàng loạt kẻ tha phương cầu thực bỗng chốc thành đại gia tiền tỷ, tên tuổi lẫy lừng. Hàng vạn dân thị trấn có công ăn việc làm, thu nhập cao, đến nỗi giá cả thị trường ở Phước Sơn đắt đỏ hơn ở thành phố loại 1 như Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Thế rồi, nhà nước siết chặt quản lý, trong vòng 10 năm lại đây, việc khai thác vàng đi vào quy củ, chỉ những công ty khai thác vàng có giấy phép mới được hoạt động, và trong tầm kiểm soát của chính quyền. Người dân thay vì "chém", "chặt" trong buôn bán, kinh doanh bát nháo những dịch vụ thương mại, giải trí cho dân tứ chiếng giang hồ, cho phu vàng bạt mạng... đã góp vốn vào những công ty, nhà thầu phụ, các đối tác kinh doanh của những công ty khai thác vàng có giấy phép như công ty vàng Phước Sơn (Besra). Nhưng, đó là chuyện trước khi xảy ra vụ vỡ nợ dây chuyền đang khiến cả thị trấn Khâm Đức - “thiên đường vàng” có nguy cơ sụp đổ và trở về như thời hỗn mang trước đó.

Trái bom nổ chậm

Chuyện công ty Quảng An của ông chủ tịch thị trấn Khâm Đức, với hàng trăm cổ đông góp vốn là người dân trong thị trấn vỡ nợ, khiến cho chợ Khâm Đức những ngày cuối năm, thay cho cảnh rộn ràng tấp nập mua sắm Tết là sự tan tác hiu quạnh. Các vụ đòi nợ nhau to tiếng xảy ra khắp nơi, suốt ngày.

Bà Nguyễn Thị Thu Sương - người bán hàng vải cho biết: "Tui đã ky cóp, vay mượn người thân, bạn bè, thậm chí cầm cố căn nhà, vay ngân hàng 450 triệu đồng để có số tiền 4 tỷ đồng, góp vốn vào công ty Quảng An. Bây giờ công ty này vỡ nợ, bạn hàng đòi thanh toán cuối năm, ngân hàng doạ niêm phong nhà cửa, người thân nghi ngờ khả năng trả tiền, 5 đứa con nhỏ có nguy cơ thất học... Tôi không biết xoay xở kiểu gì, nếu không được chính quyền can thiệp giải quyết thì chỉ còn nước tìm đến cái chết".

Những bà Trang, bà Thọ, bà Thắng, bà Tú Anh..., hàng chục tư thương buôn bán nhỏ lẻ trong chợ miền núi này đều rơi vào hoàn cảnh góp vốn cho công ty Quảng An như bà Sương. Đáng nói là phía sau số tiền vài trăm triệu đến 3, 4 tỷ đồng của mỗi cổ đông này là tài sản, nhà cửa bị cầm cố, là nợ nần dắt dây, là vốn liếng ky cóp cả đời người của người thân, bạn bè, giáo viên, công chức...

Trước mắt tôi là ông Đỗ Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức với gương mặt ủ dột, vô hồn. Ông nói, cứ nghĩ mình có điều kiện kinh doanh, đang làm ăn thuận lợi nên mở rộng sản xuất, kêu gọi thêm người dân, bạn bè, người thân cùng góp vốn cũng để giúp họ, nào ngờ có ngày thảm bại hôm nay. "Tôi đã nộp đơn xin từ chức Chủ tịch UBND thị trấn, vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức chính quyền, phần muốn dành thời gian đi đòi nợ, giải cứu cho bà con nhân dân".

Theo ông Thắng, công ty Quảng An (doanh nghiệp tư nhân - xí nghiệp Khai thác vật liệu xây dựng công trình Quảng An) do bà Nguyễn Thị Mai - em vợ ông đứng tên làm Giám đốc, nhưng thực chất là công ty của ông. Quảng An thành lập trên cơ sở làm đối tác chính với công ty vàng Phước Sơn (Besra) để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, xây dựng nhà máy, đập xử lý thải, vận chuyển quặng, cho thuê máy móc thiết bị, cung ứng dịch vụ lưu trú...

Ngoài vốn tự có, vay ngân hàng, Quảng An đã huy động góp cổ phần của nhiều người dân địa phương rồi ăn chia với phương thức tín chấp với nhau. Trong hơn 10 năm hoạt động tại huyện Phước Sơn, công ty vàng Phước Sơn đã giao dịch, thanh toán sòng phẳng đối với các đối tác, gồm Quảng An và các hộ tư thương cung ứng lương thực, thực phẩm, lưu trú, dịch vụ xây dựng, vận chuyển... Tuy nhiên, từ cuối 2012, đầu năm 2013, khi Besra thay đổi Tổng giám đốc điều hành mới, họ viện cớ khó khăn vì giá vàng hạ, việc thanh toán công nợ, hợp đồng kinh tế với các đối tác bắt đầu chậm trễ... để chậm trả nợ cho chúng tôi và bây giờ đang có biểu hiện quỵt nợ, chỉ riêng Quảng An đã hơn 18 tỷ đồng.

Quá bức xúc vì nhiều lần không đòi được tiền, ngày 26/12/2013, hàng trăm người dân Phước Sơn đã vây nhà máy vàng tại xã Phước Đức đòi nợ. Nhiều người đã chặn xe khiến nhà máy phải tạm ngừng hoạt động 1 ngày. Trong đó, công ty Quảng An của ông Thắng là chủ nợ lớn nhất với hơn 18 tỷ đồng cũng có công nhân tham gia chặn đường... Nhưng kết quả đều ra về trắng tay.

Chiều 3/1/2014, ông Thắng với tư cách chủ công ty Quảng An đã đến trụ sở công ty Besra tại Đà Nẵng để tiếp tục đề nghị thanh toán nợ. Tuy nhiên, thay vì thương thảo, tìm giải pháp thanh toán nợ hợp lý thì công ty Besra lại chìa ra một công văn soạn sẵn, đơn phương (do ông Paul Seton - Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn vàng Phước Sơn - ký), cho rằng công ty Quảng An đã tổ chức chặn đường và khuyến khích những người khác cùng chặn đường, dẫn đến việc dừng sản xuất tại mỏ vàng Phước Sơn, gây ra thiệt hại sản xuất, ước tính 850.000 USD... Từ viện dẫn đơn phương này, công ty vàng Phước Sơn kết luận sẽ khấu trừ toàn bộ vào số nợ gần 18 tỷ đồng của công ty Quảng An.

Gạt nợ kiểu luật rừng

Ông Thắng khẳng định công ty ông không hề tổ chức chặn đường, làm ngừng trệ sản xuất của nhà máy vàng. Việc nhiều người dân chặn đường công ty vàng Phước Sơn để đòi nợ, trong đó có nhiều chủ nợ không phải là cổ đông của Quảng An, là hộ bán bánh mì (40 triệu), hộ bán rau (25 triệu), bún (60 triệu), chủ khách sạn (420 triệu)...

Có thể số tiền vài chục đến hàng trăm triệu đồng là nhỏ đối với công ty vàng Phước Sơn, nhưng là cả gia tài lớn, đồng thời là gánh nợ của các hộ buôn bán nhỏ ở một huyện miền núi hẻo lánh như Phước Sơn. Việc bị chậm trả nợ, quỵt nợ gây bức xúc, dân đã tự phát đi đòi, không thể là cớ để vàng Phước Sơn cấn trừ nợ của công ty Quảng An - một đơn vị làm ăn bài bản, có hợp đồng kinh tế nhiều năm với họ. Mặt khác, trong văn bản mà Besra trả lời công ty Quảng An, khẳng định 1 ngày ngừng sản xuất, thiệt hại của họ đến 850.000USD. Ông Thắng bức xúc: "Làm việc với tôi, Besra cũng cho biết, cơ sở để cáo buộc công ty Quảng An tổ chức chặn xe và gây thiệt hại 850.000USD là dựa vào... báo chí và hình ảnh hiện trường”.

Cả Phước Sơn đang trong bầu không khí căng thẳng của vấn nạn nợ chéo, dắt dây. Những cuộc to tiếng cãi vã đòi nợ, những cảnh niêm nhà, xiết của bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt bối cảnh thiếu "tiền tháng chạp" dịp cận Tết nguyên đán. Nếu chính quyền không có giải pháp hữu hiệu, tháo ngòi nổ của trái bom nổ chậm thì hậu quả sẽ khó lường ở xứ sở vàng Phước Sơn này.

Theo Theo Lao Động