Vỡ đường dẫn thủy điện Sông Bung 2: Giành mạng với thủy thần

TP - Đến chiều tối 14/9 vẫn chưa tìm thấy 2 người mất tích. Hơn 300 người, trong đó có quân nhân, được huy động tìm kiếm, khắc phục hậu quả. Người dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến sự việc.
Chị Đặng Thị Hồng (người nhà nạn nhân Tiền) cầu nguyện một phép màu đưa anh trai mình trở về an toàn. Ảnh: Hoài Văn.

Hiện trường Thủy điện Sông Bung 2 ngày 14/9, dòng nước đục ngầu, chảy xiết. Nhiều xe ô tô, cẩu, tải và các vật dụng nằm ngổn ngang giữa lòng sông. Chân đập nham nhở những mảng lở lớn.

Chờ một phép nhiệm màu

Anh Vi Văn Quang (quê Tân Kỳ, Nghệ An) - công nhân đổ bê tông và làm thợ đá tại công trình, kinh hoàng nhớ lại cảnh tượng chiều tối 13/9. Nước chảy ầm ầm cuốn trôi cả những cỗ xe nặng hàng mấy tấn. Nhiều công nhân đã kịp tháo chạy lên bờ. “Nước chảy ầm ầm, rất mạnh. Tôi vẫn chưa tin mọi người có thể chạy kịp thoát thân” - anh Quang kể.

Anh Trần Văn Minh - lái xe 7 chỗ của Cty Xây dựng thủy lợi 4, chưa hết hoảng sợ, kể: Đang đứng gần bờ sông, bỗng nghe tiếng nổ lớn rồi thì thấy nước ầm ầm tràn qua cống dẫn thủy điện nên tháo chạy. Trong phút chốc, nước đổ ầm ầm như thác. Nước tràn xuống cống tạo thành cột nước cao hàng chục mét. Tôi bị cuốn trôi một đoạn sau đó may mắn bám được vào vách núi đá rồi trườn lên vị trí cao. Sự việc xảy ra rất nhanh, nếu không phải đang ở gần bờ thì tôi giờ này không còn ở đây.

Nhiều người nhói lòng khi nhìn cảnh tượng chị Đặng Thị Hồng ngồi lặng dưới bờ sông, chắp tay cầu khẩn một phép nhiệm màu. Anh trai chị là anh Đặng Văn Tiền (36 tuổi, nhà ở thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam), một trong hai công nhân bị nước cuốn trôi. Anh Tiền đã có vợ và hai con nhỏ. Khi hay tin dữ, cả nhà băng rừng trong đêm để lên hiện trường. Mấy anh em chia nhau đi dọc bờ sông tìm kiếm từ sáng sớm nhưng vẫn không có dấu vết nào.

Công trình vẫn đảm bảo an toàn mùa mưa lũ?!

Ông Ngô Việt Hải, Tổng GĐ Tổng Cty phát điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), cho biết, công trình Thủy điện Sông Bung 2 có công suất 100 MW, dự án chính thức khởi công và đưa vào vận hành tháng 12/2012. Dự kiến 20/11/2016 sẽ phát điện máy đầu tiên. Theo ông Hải, ngày 3/9, đơn vị thực hiện đóng cửa dẫn dòng. Sau 10 ngày tích nước đến chiều 13/9 thì xảy ra sự cố. Tại thời điểm xảy ra sự cố, mực nước dâng trong hầm hồ tích nước tại cao trình 572m, và mực nước dâng bình thường là 605 m. Còn 33 m nữa mới đến mực nước dâng bình thường.

Cũng tại thời điểm xảy ra sự cố, mưa diện rộng nên lưu lượng nước về hồ là trên 500 m3/s. Với những áp lực như vậy đã gây ra sự cố, nước đã tống và đẩy trôi một cánh van của 1 trong 2 cánh van chặn dòng. Cánh van này được làm bằng thép và nặng 125 tấn đã bị cuốn trôi dẫn đến tạo ra một dòng nước rất lớn chảy về hạ lưu.

Thời điểm này, hạ lưu đang thi công nút chặn hầm dẫn dòng là Cty xây dựng Thủy lợi 4, tiến hành đắp đê quai hạ lưu và bơm thoát nước để làm công tác chuẩn bị đổ bê tông nút hầm dẫn dòng. Đa số công nhân đã kịp chạy thoát nhưng 2 công nhân vận hành máy đào đang làm nhiệm vụ khơi dòng nước, do không nhận được cảnh báo nên bị lũ cuốn mất tích.

Ông Hải khẳng định, toàn bộ các hạng mục công trình chính như đập dâng, đập tràn, cửa hầm nhận nước… hoàn toàn đảm bảo độ an toàn cho việc phòng chống bão lụt và vận hành trong thời gian tới. Lượng nước về hạ du, với những gì đơn vị tính toán thì khi tích nước trước sự cố khoảng 28 triệu m3, trong khi dung tích hồ Sông Bung 4 nằm dưới hạ lưu Sông Bung 2 đang còn 200 triệu m3. Cho nên không thể xảy ra ngập lụt tại vùng Đại Lộc và gây hậu quả ở hạ lưu.

Ông Đặng Hoàng An - Tổng GĐ Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, qua sự việc, cần phải hết sức cảnh giác, nhất trong điều kiện thời tiết phức tạp. Khả năng lũ quét cao, nguy cơ sạt lở, do đó cần nâng cao cảnh giác tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tương tự.

“Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, thiệt hại về người. Chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý an toàn trước khi hoạt động trở lại” - ông An nói.

Trưa 14/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đến hiện trường. Ông Hưng đề nghị từ sự cố Sông Bung 2, các đơn vị khác tập trung nghiên cứu rà soát để đảm bảo an toàn, nhất là trong điều kiện đối mặt với những biến đổi khí hậu khó lường.

Cả làng mở tiệc vì 57 người thoát nạn

Chiều tối 14/9, người dân thôn A Dinh (xã Chaval) mở tiệc ăn mừng ở nhà truyền thống, mừng 57 người thoát nạn trở về sau sự cố vỡ ống dẫn Sông Bung 2. Anh A Rất Đức, kể, sáng nay cả xóm ai cũng hoảng hốt, cứ kêu nhau đi nhận dạng, làm lạnh gáy. Giờ mọi người thoát chết trở về vui quá nên cả làng ăn mừng.

Theo chị Hiên Chăn, trưởng thôn A Dinh, thôn có 57 người đi trồng rừng ở gần bờ sông Bung, thuộc xã Chaval. Vị trí trồng rừng sát ngay sông nên khi sự cố xảy ra không ai tin những người thân mình có thể trở về. Bà Zơ râm Zăt mừng ứa nước mắt khi thấy đứa cháu nội trở về. A Rất Tươi (19 tuổi) cùng đoàn người trong thôn đi trồng rừng ở gần sông Bung. Tươi kể, khi nghe tiếng động lớn thì mọi người nháo nhác gọi nhau chạy. May mà sự việc xảy ra sớm, lúc đó đang còn làm việc mới kịp chạy, chứ nếu xảy ra ban đêm, mọi người thường ngủ luôn dưới đấy để sáng hôm sau làm thì chắc bị cuốn trôi hết”.

            H.V