Vinh quang từ “môn phụ” giáo dục công dân

Một số học sinh đã tâm sự với tôi: “Cô ơi, bố mẹ em chỉ cho thi các môn theo khối, kể cả không có giải, chứ thi môn Giáo dục công dân bố mẹ em không đồng ý cô ạ”.
Giờ dạy Giáo dục công dân của cô Lê Thị Liên.

Đó là tâm sự đầy trăn trở của cô Lê Thị Liên - giáo viên Trường THPT Quảng Xương1 (Thanh Hóa) về những khó khăn của đội tuyển học sinh giỏi môn Giáo dục công dân.

Nỗi buồn môn "phụ"

Cô Liên cho biết, hiện công tác thành lập và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Giáo dục công dân khó vô vùng. Cũng bởi quan niệm của không ít phụ huynh và học sinh đây là “môn phụ”, không thi tốt nghiệp, cũng không thi ĐH; do đó, hầu như học sinh không có sự đầu tư cho môn học này.

"Thực tế, đã có em định tham gia đội tuyển nhưng bố mẹ không đồng ý, vì mục đích cuối cùng của nhiều phụ huynh là cho con thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng.

Có một số phụ huynh đã đến tận nhà giáo viên để xin cho các em được nghỉ học đội tuyển với lý do: Bản thân các em không đủ sức khoẻ hoặc vì các lý do khác.

Tôi biết những lý do đó chưa phải là sự thật, dù rất buồn và đôi khi hơi nản nhưng tôi cũng không thể thay đổi được quyết định đó của các em và gia đình" - Cô Liên tâm sự.

Thực trạng trên không những làm giảm lòng nhiệt tình, tâm huyết và sự đam mê của giáo viên dạy Giáo dục công dân nói chung, giáo viên bồi dưỡng đội tuyển nói riêng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sự tự tin của một số rất ít học sinh sẽ tham gia đội tuyển.

Vì các em sợ bị coi thường và thậm chí còn thấy ngại vì phải thi Giáo dục công dân!

"Chính vì lẽ đó, các năm trước đây có nhiều trường trong tỉnh, kể cả trường chuyên Lam Sơn đã không thể thành lập được đội tuyển môn Giáo dục công dân" - Cô Liên cho biết.

Sự chân thành là bí quyết

Theo lời kể của cô Liên, cách đây nhiều năm, cũng giống như đa số các trường THPT trong toàn tỉnh, mặc dù Ban Giám hiệu Trường THPT Quảng Xương I rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, nhưng kết quả của môn Giáo dục công dân hàng năm không cao, có năm không có giải.

Thông thường bước vào năm học lớp 12, cuối học kỳ I mới chính thức thành lập đội tuyển môn Giáo dục công dân. Vì thế giáo viên phụ trách trực tiếp lên kế hoạch phụ đạo cho các em một số buổi để đi thi.

Từ thực tế trên, Ban Giám hiệu đã thay đổi cách chỉ đạo, không để cho việc bồi dưỡng tự phát trong giáo viên, học sinh mà giao khoán hẳn cho giáo viên có kế hoạch chọn đội tuyển ngay từ đầu năm học lớp 12.

Với cách làm này chất luợng và số lượng đã có thay đổi nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế.

Trăn trở trước thực trạng này, cô Liên đã bắt tay vào công việc đầu tiên và vô cùng quan trọng là chọn đội tuyển.

Để làm việc này hiệu quả, không thể thiếu việc giúp học sinh hiểu, nhận thức đúng về vai trò của bộ môn và lợi thế khi tham gia đội tuyển.

Sau đó, lập danh sách dự tuyển, động viên khích lệ học sinh tham gia dự thi. Cuối cùng, thi tuyển theo kế hoạch chung của nhà trường để lập danh sách từ cuối năm học lớp 10.

"Với những phương pháp như trên tôi đã động viên được nhiều học sinh tham gia dự thi và chọn được những em có lực học khá ở các khối A, B, D …khác với trước đây phải bắt buộc các em mới đi thi.

Có thể nói, đó là niềm động viên rất lớn đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Giáo dục công dân trong điều kiện hiện nay" - Cô Liên cho hay.

Bí quyết của cô Liên chính là sự quan tâm chân thành tới từng học sinh. Sự quan tâm đó không chỉ dừng lại ở thái độ, lời nói, kiến thức, kinh nghiệm truyền đạt cho các em mà còn bằng tất cả tấm lòng, không đơn thuần là tình thầy trò mà như một người thân thực sự của các em.

Cô Liên thường đến thăm gia đình học sinh trong đội tuyển vào các dịp nghỉ lễ, sinh nhật… đặc biệt là khi các em bị ốm phải nghỉ học, qua đó để hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập cũng như sự quan tâm của các bậc phụ huynh.

Nhờ vậy, nhiều phụ huynh đã có cái nhìn đúng hơn về vai trò của bộ môn, hiểu được lợi thế khi các em được tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Giáo dục công dân.

Vinh quang từ "môn phụ"

Cùng với cái "tâm" đó là rất nhiều công phu. Với kinh nghiệm của cô Liên đó là phải lập được kế hoạch tổng thể, có được “chương trình khung” và kế hoạch cho từng giai đoạn.

Đồng thời, rèn luyện kỹ năng tự học, đọc tài liệu, khai thác kiến thức cho học sinh. Để làm được điều này, giáo viên cần chỉ rõ cách khai thác từng nội dung cụ thể bằng phương pháp đi từ khái quát đến cụ thể và từ đó có sự liên hệ vận dụng trong cuộc sống, sau đó giao nhiệm vụ để các em tự học và kiểm tra bằng các bài viết.

Bên cạnh đó, coi trọng khâu ra đề, ra đáp án, chấm chữ và rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh; phân loại học sinh trong quá trình bồi dưỡng.

Việc phân loại, theo cô Liên là khâu khá quan trọng vì có phân loại được học sinh thì giáo viên mới có thể có phương pháp phù hợp với khả năng của từng em và các em mới có khả năng đạt được kết quả như mong muốn.

Sau đó lập bảng theo dõi ghi chép cẩn thận vào sổ nhật ký dạy đội tuyển của mình để chỉ cho các em thấy được các em đã khắc phục nhược điểm ở những bài sau như thế nào.

Qua việc lập bảng theo dõi như trên giáo viên sẽ rút ra được lỗi thường gặp phổ biến của các em để sau một thời gian nhất định sẽ kiểm tra lại để nắm được mức độ tiến bộ của từng em.

Người giáo viên cũng cần tăng cường trao đổi, giao lưu, lắng nghe ý kiến phản hồi từ học sinh; yêu cầu cao và giao nhiệm vụ cho học sinh và đặc biệt phải tranh thủ sự đồng thuận của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Với nhiệt tình và tâm huyết, chỉ tính trong 6 năm liên tục trở lại đây, số lượng học sinh tham gia đăng ký dự thi đội tuyển Giáo dục công dân do cô Liên phụ trách tăng lên, số học sinh đạt giải cấp tỉnh hằng năm ngày càng nhiều cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt trong 5 năm liên tục đội tuyển do tôi phụ trách đều có học sinh đạt giải nhất và 5 năm liên tục bộ môn được xếp thứ nhất, nhì toàn tỉnh.

Theo Hải Bình GD&TĐ Xem thêm :vinh quang, lam sơn, năm học, phân loại, động viên, quảng xương, giáo dục công dân, thanh hóa, Phân loại học, dự thi, kế hoạch, Số lượng học sinh tham gia,

Theo Giáo dục và Thời đại