Di sản liên vùng đầu tiên
Vào hồi 17h39 ngày 16/9 giờ địa phương (tức 21h39 ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hoà Ả-rập Xê-út, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO chính thức gõ búa ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới. Đây là di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh là di sản thế giới bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động.
Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý. Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà còn là nơi chứa đựng một môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đặc biệt, Voọc Cát Bà là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này.
Ông Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel nhận định, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà luôn là một trong những điểm du lịch hút khách trong nước và quốc tế nhất Việt Nam. Việc Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được ghi danh sẽ tăng vị thế, sức hút cho hai điểm du lịch này. Ông khẳng định, Việt Nam sẽ sớm đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Năm 2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái được gửi tới Trung tâm Di sản thế giới. Sau quá trình thẩm định, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới đã dự thảo Quyết định để Ủy ban Di sản thế giới thông qua tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: “Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, để gộp cả Quần đảo Cát Bà”.
Đầu năm 2021, hồ sơ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được chỉnh sửa, hoàn thiện theo nội dung khuyến nghị. Đầu năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) báo cáo và được Thủ tướng đồng ý để Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà và giao Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, gửi hồ sơ tới UNESCO theo thời hạn quy định.
Ông Đoàn Ngọc Tùng, Giám đốc Cty CP Du lịch Quốc tế MTV Việt Nam khẳng định, di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sẽ thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến với Việt Nam, đặc biệt là Hạ Long và Cát Bà. Vịnh Hạ Long từng được công nhận là di sản thế giới nên sở hữu cơ sở hạ tầng, sự đầu tư lớn, đều đặn. Việc được công nhận là di sản thế giới sẽ là bàn đạp để Cát Bà vươn lên, khẳng định vị thế của mình.
“Cát Bà có cơ sở hạ tầng tốt, dịch vụ tốt, được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp như vịnh Lan Hạ, đảo Khỉ, Vườn quốc gia Cát Bà... Đặc biệt khi đến với Cát Bà, du khách được trải nghiệm du lịch khám phá, leo núi ở Vườn Quốc gia Cát Bà. Đây là nơi bảo tồn nhiều loài vật nằm trong Sách Đỏ thế giới”, ông Đoàn Ngọc Tùng cho biết.
Thực tế, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được ghi danh là di sản thế giới không phải là bước hợp tác liên vùng đầu tiên của hai địa phương, bởi từ trước đến nay có đến 95% tua tuyến tham quan Vịnh Hạ Long bằng du thuyền đều đi qua khu vực quần đảo Cát Bà. “Tất cả du khách nước ngoài đến với Việt Nam khi tham quan vịnh Hạ Long sẽ đi du thuyền liên tuyến Hạ Long - Cát Bà. Du khách lên tàu từ Hạ Long, tham quan vịnh Hạ Long, đi qua quần đảo Cát Bà và quay ngược về Hạ Long. Đây là hành trình quen thuộc với du lịch quốc tế khi đi du thuyền tại Hạ Long”, ông Đoàn Ngọc Tùng nêu.
Nối dài cung đường du lịch tuyệt đẹp
Nhiều đơn vị tổ chức tua tuyến nghiên cứu, khai thác dịch vụ, sản phẩm du lịch mới mang tính chất khám phá thiên nhiên hoang dã, đi thuyền ngắm cảnh, câu cá. Đây sẽ là những sản phẩm tập trung khai thác nét đặc trưng nhất của khu vực Hạ Long - Cát Bà, từ đó thu hút khách nội địa và khách quốc tế.
Bên cạnh những cơ hội rộng mở về du lịch, ông Phùng Xuân Khánh cho rằng, thành phố Hải Phòng cần tiếp tục nghiên cứu để giải quyết vấn đề giao thông tới quần đảo Cát Bà. Việc ách tắc thường xuyên tại đường ra phà luôn là điểm yếu của du lịch Cát Bà. “Hằng năm, chúng tôi đưa nhiều đoàn khách đến cả Hạ Long và Cát Bà. Du khách chọn Hạ Long nhiều hơn bởi giao thông thuận tiện, trong khi khách đi Cát Bà phải trải qua nhiều lần cầu, phà. Bên cạnh đó, những tuyến đường dẫn lên thuyền, phà hay ách tắc gây không ít khó khăn cho du khách”, ông Phùng Xuân Khánh nêu.
PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Văn hóa TP.HCM nhận định, việc được công nhận là di sản thế giới mang đến cơ hội vàng để hai địa phương phát triển du lịch. Tuy nhiên, ông cảnh báo việc khai thác quá đà di sản, chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế sẽ phá hỏng di sản. “Cần lưu ý để có sự phối hợp giữa hài hòa giữa chính quyền địa phương và cộng đồng, bởi chính quyền bảo vệ về mặt hành chính nhưng cộng đồng mới là người gìn giữ di sản. Nếu di sản không có cộng đồng, đó sẽ là di sản chết. Vì vậy phải hài hòa lợi ích và bảo vệ di sản, không thể chỉ chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt”, PGS.TS Lâm Nhân nêu.