Vĩnh biệt họa sĩ Tôn Đức Lượng, đại thụ của Báo Tiền Phong

TPO - Họa sĩ Tôn Đức Lượng trút hơi thở cuối cùng vào 01h07 ngày 10/2/2023, hưởng thọ 99 tuổi. Ông thuộc nhóm cán bộ tham gia  từ ngày đầu thành lập tờ báo Tiền Phong và ra số báo đầu tiên ngày 16/11/1953, tại Chiến khu Việt Bắc.

Học cùng thời với các danh họa như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Phan Kế An... họa sĩ Tôn Đức Lượng là người giản dị, hóm hỉnh. Trong mấy chục năm cầm cọ, họa sĩ Tôn Đức Lượng để lại gia tài hàng trăm bức ký họa lịch sử, nhiều tác phẩm sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ...

Họa sĩ Tôn Đức Lượng sở hữu gia tài hàng trăm bức ký họa lịch sử, nhiều tác phẩm sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ...

Hoạ sĩ Tôn Đức Lượng (tên thật: Nguyễn Hữu Kinh) sinh năm 1925 tại Bắc Ninh. Ông là sinh viên khoá 18 - khoá cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, năm 1948, hoạ sĩ Tôn Đức Lượng công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên với vai trò minh hoạ, trình bày báo của Trung ương Đoàn, báo Xung phong, Sức khoẻ... Từ năm 1953, ông làm việc tại báo Tiền Phong cho đến khi nghỉ hưu.

Tác phẩm Nữ dân quân (1964, sơn dầu).

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông thường xuống các cơ sở Đoàn và vẽ thanh niên nông thôn sản xuất nông nghiệp. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hoạ sĩ Tôn Đức Lượng tiếp tục về các cơ sở Đoàn phản ánh hình ảnh thanh niên nông thôn làm thuỷ lợi, làm kinh tế công nghiệp nhỏ ở địa phương, đi theo các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước...

Bức tranh Mùa hoa gạo, Khu kinh tế thanh niên. Ký họa bút sắt và thuốc nước.

Không chỉ giữ vai trò hoạ sĩ minh hoạ cho báo Tiền Phong, ông dành phần lớn thời gian còn lại để sáng tác. Từ năm 1951 đến năm 1980, ông tham gia hầu hết các Triển lãm mỹ thuật trên toàn quốc. Nhiều bức tranh của hoạ sĩ Tôn Đức Lượng được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Bảo tàng Quân đội. Một số bức tranh của ông được Hội Mỹ thuật Việt Nam đưa đi tham gia triễn lãm mỹ thuật Việt Nam tại Trung Quốc, Ba Lan và các nước Đông Âu.

Ông từng khiến công chúng ngỡ ngàng với triển lãm Tôn Đức Lượng - Ký họa lịch sử được tổ chức năm 2012 - 2013 tại Hà Nội và TP.HCM. Hàng trăm bức ký họa do nhà sưu tập tranh người Thái Lan giới thiệu tại triển lãm này giúp công chúng hình dung rõ hơn về tài năng, gia tài đồ sộ của họa sĩ Tôn Đức Lượng. Cuốn sách in hơn 200 bức ký họa, một số tranh sơn dầu và khắc gỗ của của ông cũng ra mắt dịp này.

Bức Nghỉ giữa buổi năm 1971, in khắc gỗ màu 31x41cm.

Nhà sưu tập tranh người Thái Lan cũng mua lại hầu hết tranh ký họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng trong khoảng thời gian chống Mỹ 1971 - 1972. Phần lớn ký họa được vẽ bằng bút máy, mực tự chế ở nhiều địa danh như mỏ than Cổ Kênh (Chí Linh, Hải Dương), vẽ thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, khu kinh tế Thanh niên xung phong Phú Thọ, nông trường Mộc Châu...

Lễ viếng hoạ sĩ Tôn Đức Lượng được tổ chức vào lúc 9h15 ngày 13/2 tại Nhà Tang lễ Quốc gia (Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra lúc 10h15 cùng ngày. Linh cữu ông được đưa đi hoả táng tại Đài hoá thân hoàn vũ (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội).