Sao cha mãi không về!
Trước hành trình đi Trường Sa (tháng 4 năm 2023), Đoàn công tác số 6 của chúng tôi may mắn được đến thăm và làm lễ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Lâm (Khánh Hoà). Khi đại biểu đoàn công tác được tự do đi tham quan, tôi được chứng kiến Nhà báo, Nhạc sĩ Lê Việt Quân đang đắm đuối trò chuyện với Thượng úy Trần Mai Thủy, con gái duy nhất của Trung uý Trần Văn Phương (Đảo phó đảo Gạc Ma - Lữ đoàn 146, hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988).
Anh Quân cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được ra Trường Sa. Trước khi đi, anh đã sáng tác hai ca khúc về Trường Sa là “Gửi anh người lính đảo xa” và “Cha ơi” nói trên. Anh in màu nhiều bản, rồi đóng khung kính cẩn thận, mang theo làm quà tặng. “Cứ mỗi lần bắt gặp những câu chuyện về sự kiện Gạc Ma làm tôi thấy đau xót, day dứt. Bởi thế, tôi sáng tác các ca khúc để tri ân những người lính, người con của đất nước đã ngã xuống bảo vệ biển trời Tổ quốc. Hi vọng rằng, những tác phẩm viết về biển đảo, người lính sẽ khích lệ, động viên thế hệ trẻ lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Và tôi mong muốn lan tỏa đến tuổi trẻ hôm nay, thế hệ mai sau tình yêu, luôn hướng về biển đảo, cùng chung sức giữ vững biển trời của chúng ta”, nhà báo Việt Quân chia sẻ.
Sở dĩ tôi nhận ra Thượng úy Trần Mai Thủy vì được thấy trong các bài viết của nhiều cây bút của báo Tiền Phong từng đi Trường Sa, trong đó có bài “Lá thư định mệnh và chuyện những người nối gót phó đảo” của nhà báo Hoàng Nam (PV báo Tiền Phong tại Quảng Bình - quê hương Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương)… Trong bài viết, các đồng đội kể về cha của Thuỷ - Trung uý Trần Văn Phương cùng đồng đội rời tàu, dầm mình trong nước biển mang theo dụng cụ, vật liệu xây dựng đảo và lá cờ Tổ quốc trên tay.
Cuộc chiến không cân sức xảy ra, các chiến sỹ hải quân của chúng ta trong tay chỉ có xà beng, cuốc xẻng, nắm tay nhau tạo thành vòng tròn giữ đảo, mà sau này trở thành biểu tượng “vòng tròn bất tử”. Trong lúc giằng co với quân địch để giữ lá cờ Tổ quốc, một phát đạn của địch xuyên qua đầu trung úy Phương. Anh gục xuống, tay vẫn cầm chắc ngọn cờ Tổ quốc, lá cờ phủ lên thi thể anh, bồng bềnh trong nước loang máu… Thượng úy Phương là một trong 64 người con đất Việt có linh hồn nằm lại giữa biển khơi trong trận hải chiến đau thương mà anh dũng đó.
Và Thượng úy Phương nhận nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma khi vợ ông ở quê là bà Mai Thị Hoa mang thai con gái đầu lòng được 1 tháng. Cô bé đó ra đời được đặt tên là Thủy và chính là Thượng úy Trần Mai Thủy đang là cán bộ văn thư bảo mật, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) đang đứng trước mặt tôi và anh Quân.
Nhà báo Lê Việt Quân thốt lên: “Bất ngờ và xúc động quá! Tôi tặng cháu tác phẩm “Cha ơi” do vợ, chồng tôi sáng tác. Có lẽ cháu làm ở đây, biết đoàn chúng ta đến thăm nên sắp xếp công việc ra gặp”. Rồi anh Quân kể về câu chuyện của hai năm trước, trong chuyến thăm Trường Sa của vợ anh (là chị Phan Thị Ánh Hoàng, Hiệu trưởng Tập đoàn giáo dục Quốc tế Nam Việt, thành viên Quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu). Trên hành trình đó, chị Hoàng gặp Thượng úy Thủy và tình cờ biết được câu chuyện cha con đầy xúc động đó. Ngay trong chuyến hải trình, chị Hoàng xúc động làm bài thơ “Cha ơi” để tặng Thủy. Anh Quân thấy bài thơ xúc động quá nên phổ nhạc trong thời gian rất ngắn. Rồi trong cuộc triển lãm Hành trình 10 năm “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” do Quỹ học bổng Vừ A Dính tổ chức, bài hát này được ca sỹ Minh Quang thể hiện. Khi đó, cả khán phòng rưng rưng nước mắt.
Chiều muộn ngày 24/4/2023, Tàu Kiểm ngư KN-490 chở Đoàn công tác số 6 thả neo khi ngang qua vùng biển đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao để làm lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Giữa trùng dương phẳng lặng, ánh hoàng hôn như dát vàng cả vùng biển mênh mông. Trong trang phục chỉnh tề, mọi người trong đoàn đứng thành hàng trước bàn thờ anh linh các anh hùng liệt sĩ. Cạnh tôi là những văn nghệ sĩ, những nhà báo. Bài “Hồn tử sĩ” vang lên trong không khí trang nghiêm. Những dòng tưởng niệm trầm ấm về các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên Quần đảo Trường Sa vang lên khiến trái tim chúng tôi thổn thức. Lúc này, những hình ảnh về các anh hùng liệt sĩ mà tôi thấy qua ảnh ở Đài tưởng niệm Gạc Ma tại Cam Lâm cứ phảng phất trong đầu, nước mắt chực trào ra.
Ba hồi còi tàu rền vang giữa vùng biển Gạc Ma mênh mông. Ánh hoàng hôn lịm dần, mặt biển sẫm lại. Trên mạn tàu, nhà báo Lê Việt Quân mắt đỏ hoe dõi theo ánh nến le lói và những con hạc giấy bềnh bồng trên biển. Bất chợt anh ngân lên từng nhịp: “…Cha đã hẹn sao Cha không về với Mẹ, để hôn con khi con mới ra đời.../ Tháng ba về con lại đến thăm Cha/ Chiều Gạc Ma bốn bề sóng dữ/ Ở nơi đó Cha có nghe con gọi/ Lời con thơ/ Lời con thơ/ Cha có nghe chăng/ Về đi Cha/ Về thôi Cha/ Về cha ơi/ Sao cha mãi không về…”. Khúc hát trong bài “Cha ơi” đó nhỏ nhẹ, âm thầm len lỏi đến tâm can người nghe. Và dường như không nén được tình cảm và sự ngưỡng mộ dành cho người lính đang ngày đêm gian khổ canh giữ biển trời thân yêu của Tổ quốc, anh Quân tiếp tục trải lòng mình: “Bài tình ca em hát về anh, người lính trẻ/ Mang theo hình bóng quê nhà/ Mang theo lời ru của Mẹ/ Và hơi ấm con thơ/ Gởi đến anh/ Gởi đến anh/ Người lính đảo xa/ Đêm ngày gian khổ/ Gìn giữ Trường Sa/ Gìn giữ Trường Sa/ Vì non nước yên bình…”. Những ca từ trong bài “Gửi anh người lính đảo xa” như bay cao, bay xa thấm sâu trong lòng người thưởng thức. Tuy không là nhạc sĩ sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp nhưng bằng sự nhạy cảm riêng của trái tim nghệ sĩ và quãng đời suốt hơn 40 năm công tác và làm báo, những ca từ đó tựa như tấm gương soi cuộc đời phản ánh nội tâm người sáng tác.
Hòa nhịp
Nhà báo Lê Việt Quân (SN 1956) tham gia kháng chiến từ những năm 1972. Anh học tập và giảng dạy tại trường đào tạo cán bộ Đoàn mang tên Tiền Phong - Khu đoàn Tây Nam Bộ. Trường Tiền Phong nằm ở tỉnh Cà Mau, đào tạo các mảng văn hoá, kỹ năng hoạt động cho cán bộ Đoàn. Rồi anh ra làm công tác Đoàn tại Thị đoàn Thị xã Bạc Liêu (tỉnh Minh Hải cũ). Năm 1978, anh tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam. Anh được cử làm Liên đội trưởng Thanh niên xung phong (cấp tương đương Tiểu đoàn trưởng) chỉ huy hơn 300 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam.
“Năm 1979, trong một chuyến công tác, có cơ duyên, tôi đọc được một thông báo chiêu sinh lớp đại học báo chí. Yêu thích, thế là tôi đi thi và đậu vào Khoa Báo chí - Trường Tuyên huấn Trung ương 1. Trong thời gian học đại học báo chí, ngày đi học ở trường, nhiều đêm tôi tranh thủ đến nhà Nhạc sỹ Huy Thục học sáng tác nhạc. Tác phẩm đầu tay “Đất đỏ Mùa xuân” (tác phẩm “trả bài”), được nhạc sỹ đánh giá có nhiều ưu điểm, cũng là ca khúc nhạc sỹ rất yêu thích, được in trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai khoảng năm 1982. Đến năm 1984, tôi ra trường, về làm ở báo Minh Hải, (nay là Cà Mau); báo ảnh Đất Mũi, sau đó chuyển về tạp chí Tri thức và Công nghệ, rồi về làm Tổng Biên tập Tạp chí Lao động Bình Dương tới khi nghỉ hưu”, anh Quân kể.
Sáng 26/4/2023, biển động, sóng lớn. Sau hàng tiếng đồng hồ vật lộn với sóng gió, xuồng máy không thể tiếp cập Nhà giàn DK1/8 Quế Đường - điểm đến cuối cùng trong hải trình của Đoàn công tác. Tất cả thành viên tàu Kiểm ngư KN-490 tập trung ở Đài chỉ huy để trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ qua bộ đàm. Chỉ trong ít phút xúc động đó, nhà báo Văn Ngọc Thủy (Báo Hà Nội Mới) đã sáng tác bài thơ “Ngọt đắng Quế Đường” và đọc trực tiếp trên bộ đàm chia sẻ với các cán bộ chiến sĩ. Trong đó, có những vần thơ đầy xúc động: “Biển sáng nay vẫn xanh vời vợi/ Em chỉ cách anh một ánh nhìn/ Những con sóng đập mạn tàu không ngớt/ Khiến vòng tay chưa thể nối liền/ Quế Đường đó hiên ngang nơi sóng gió/ Điểm tựa giữa trùng khơi, Tổ quốc anh linh/ Em không thể gần anh thêm chút nữa/ Nhưng vẫn thấy anh trong trái tim mình/Trái tim em, trái tim triệu đồng bào/Hướng về anh như hướng về Tổ quốc…”. Trong khoảnh khắc tiếc nuối và đầy tình yêu thương đó, nhà báo, Nhạc sỹ Lê Việt Quân đã phổ nhạc bài thơ và hoàn thành ngay trên hành trình trở về đất liền. Anh đổi tựa đề bài hát từ “Ngọt đắng Quế Đường” thành “Ngọt đắng Trường Sa”. Bài hát sau đó được công diễn tại buổi lễ tổng kết chuyến thăm Trường Sa của Đoàn công tác số 6 năm 2023.