Việt - Nga thúc đẩy nhiều chương trình, dự án lớn

TP - Hội đàm ngày 16/4 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thảo luận biện pháp triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, điện hạt nhân, thương mại…
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo chiều qua ở Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh

Hai bên thống nhất các biện pháp đưa quan hệ Việt-Nga phát triển thực chất, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-giáo dục, nhân văn, hợp tác địa phương, cùng sự phối hợp hành động của hai nước tại khu vực và trên trường quốc tế.

Tại buổi họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, trước mắt, hai nước tập trung thúc đẩy triển khai 12 dự án đầu tư lớn, trong đó có dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, các dự án khai thác dầu khí của các công ty liên doanh Việt Nam và Nga ở thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga, dự án mở rộng, hiện đại hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất… 

Ông Lavrov bày tỏ ủng hộ Việt Nam trong đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan (Nga - Kazakhstan - Belarus) để hai bên sớm kết thúc đàm phán trong năm 2014. Ông cũng nói rằng, chính quyền Nga sẽ xem xét các biện pháp để tạo điều kiện cho đông đảo người Việt Nam lao động tại Nga một cách hiệu quả và hợp pháp.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam và Nga nhất trí xem xét ký kết những thỏa thuận mới để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu giữa hai nước. Kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 3,97 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2012.

Phối hợp hành động

Tại buổi hội đàm, hai bên thống nhất các biện pháp hợp tác, phối hợp hành động tại khu vực và trên trường quốc tế. Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ tin tưởng “Nga sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. 

Ngoại trưởng Lavrov khẳng định, Nga và Việt Nam có nhiều quan điểm tương đồng về các vấn đề thế giới. Hai bên cũng thảo luận về hợp tác Việt - Nga trong khuôn khổ diễn đàn ASEAN.

Về vấn đề biển Đông, hai bên chia sẻ quan điểm về việc cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện Quy tắc ứng xử giữa các bên tại biển Đông và thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc tại biển Đông.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Lavrov, hai Bộ Ngoại giao đã ký kết hoạch hợp tác giữa hai bộ cho giai đoạn 2015-2016. Năm 2015 sẽ là năm Việt Nam và Nga kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tiếp Ngoại trưởng Lavrov chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành liên quan hai nước triển khai tích cực các thoả thuận đã đạt được cùng các dự án trọng điểm, tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng, khoa học - kỹ thuật… Chủ tịch nước hoan nghênh kết quả các vòng đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan và mong tiến trình đàm phán sẽ được hoàn tất trong năm 2014.

Ukraine phải cải cách hiến pháp để giải quyết khủng hoảng

Trả lời câu hỏi của phóng viên về triển vọng cuộc đối thoại 4 bên về tình hình miền đông Ukraine sẽ diễn ra trong ngày 17/4 tại Geneva, ông Lavrov nói Nga vẫn giữ kế hoạch sẽ tham gia cuộc đàm phán này, hy vọng “nỗ lực của các bên, trong đó có Nga, sẽ có kết quả”. Ông nói rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin mấy ngày qua điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức, nêu rõ Nga không thể chấp nhận việc những người đang nắm chính quyền ở Kiev dùng vũ lực chống lại người biểu tình ở miền đông Ukraine.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực nhằm giải quyết tình hình này và thuyết phục các lãnh đạo Kiev có biện pháp đáp ứng nguyện vọng của người dân ở miền đông nhằm hòa giải, chứ không phải dùng vũ lực khiến căng thẳng leo thang”, ông Lavrov nói. Ngoại trưởng Nga cho rằng, Ukraine phải tự giải quyết tình hình hiện nay vì nguồn gốc của khủng hoảng là “từ nhà nước Ukraine”, nên “chúng ta phải thuyết phục những người đứng đầu Ukraine bắt đầu quá trình cải cách hiến pháp để giải quyết nguồn gốc của cuộc khủng hoảng. Đây cũng sẽ là mục đích chính và chủ đề chính của cuộc đối thoại ở Geneva”, ông Lavrov nói.