Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 4/11, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này.
Bà Hằng tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật quốc tế, được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
“Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong lãnh hải của cụm Sinh Tồn Đông là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút các tàu cá nói trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam” - Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
“Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong lãnh hải của cụm Sinh Tồn Đông là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút các tàu cá nói trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”, bà Hằng tuyên bố.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington (Mỹ), tuần trước công bố ảnh vệ tinh chụp ngày 17/10 cho thấy đội tàu Trung Quốc hiện diện trở lại trong khu vực cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo AMTI, các tàu Trung Quốc dàn đều ở khu vực phía bắc cụm Sinh Tồn, một số quay lại neo đậu ở khu vực bãi Ba Đầu.
Hồi tháng 3 năm nay, hơn 200 tàu của Trung Quốc bắt đầu neo đậu gần đá Ba Đầu mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi. Tới cuối tháng 3, trước sức ép quốc tế, nhóm tàu Trung Quốc rời khỏi bãi Ba Đầu, tản ra khắp quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
AMTI cho biết ảnh vệ tinh hồi đầu tháng 8 cho thấy khoảng 40 tàu Trung Quốc bắt đầu quay lại khu vực phía bắc cụm Sinh Tồn, bao gồm đá Ba Đầu. Đến tháng 9, đội tàu Trung Quốc ở cụm Sinh Tồn tăng lên hơn 100 chiếc và tiếp tục tăng lên 150 chiếc một tháng sau đó.