Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, ngăn cản đà phát triển của quan hệ song phương, làm cho tình hình thêm căng thẳng, phức tạp, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.
“Việt Nam phản đối và nghiêm khắc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, dừng ngay và không tái diễn các hành động làm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình”, người Phát ngôn nói.
Phân giới Việt Nam - Campuchia phù hợp luật pháp quốc tế
Việc phân giới cắm mốc được tiến hành trên cơ sở hai hiệp ước về phân định biên giới cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa Việt Nam và Campuchia, phù hợp luật pháp và thực tiễn quốc tế, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định ngày 23/7.
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều qua, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những vụ việc gây rối ở biên giới Việt Nam - Campuchia gần đây và Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia tiếp tục kêu gọi tụ tập ở khu vực biên giới giáp với tỉnh An Giang vào ngày 26/7, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định, Việt Nam và Campuchia đã có các thỏa thuận liên quan hoạt động trong khu vực biên giới của hai nước, nhất là các khu vực chưa phân giới cắm mốc; những vụ gây rối ở biên giới không phù hợp các thỏa thuận song phương.
Ông Lê Hải Bình cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng hai nước đã tích cực phối hợp giải quyết tốt tình hình, không để các vấn đề biên giới ảnh hưởng quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đồng thời hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán, phân giới cắm mốc. Về việc Thủ tướng Campuchia Hun Sen gần đây gửi thư đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Mỹ để mượn lại tấm bản đồ Bonne từ thời Pháp nhằm xác định rõ đường biên giới hai nước, ông Lê Hải Bình từ chối bình luận, nhưng cung cấp một số thông tin liên quan.
Ngày 27/12/1985, Việt Nam và Campuchia ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa 2 nước. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 22/2/1986. Ngày 10/10/2005, hai nước ký Hiệp ước bổ sung cho Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, và hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 6/12/2005. Căn cứ 2 hiệp ước này, đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia được thể hiện trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 và bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000, đính kèm với Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985.
“Tôi xin nhấn mạnh, công tác phân giới cắm mốc trên thực địa thuần túy là công việc song phương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, được tiến hành trên cơ sở hai hiệp ước nói trên cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa hai nước, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế”, ông Lê Hải Bình nói.