Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại

TPO - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 diễn ra sáng nay tại Hà Nội, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam sắp tham gia, như TPP, TPP, EU-FTA, RCEP… có thể là một cách hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, đe dọa trực tiếp tới hoạt động hàng hải, thương mại quốc tế; gây mất an ninh, phá vỡ sự ổn định tại Biển Đông và trong khu vực.

Theo ông Lộc, hành động phi pháp của Trung Quốc có tác động đáng kể tới quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này. 

“Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam sắp tham gia, như TPP, TPP, EU-FTA, RCEP… có thể là một cách hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu này”, ông Lộc nói.

Ngoài ra, để lấy lại niềm tin các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ: Tiếp tục xử lý dứt điểm, triệt để các vấn đề phát sinh từ sự cố ngày 13-14/5 vừa qua. Đặc biệt, những vấn đề có thể chỉ phát sinh/nhận thấy sau này, như cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Đồng thời, có biện pháp rút kinh nghiệm để các sự việc tương tự không xảy ra trong tương lai; có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng và hiệu quả hơn trước các sự việc có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam gây phẫn nộ cả dân tốc, một số nơi người dân biểu tình phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Lợi dụng biểu tình yêu nước của nguời dân, một số đối tượng manh động đã cướp giật, phá hoại tài sản doanh nghiệp, Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và không để tái diễn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ và hầu hết các doanh nghiệp bị thiệt hại đã hoạt động lại bình thường. Tuy nhiên, hiện còn khoảng 20 doanh nghiệp bị thiệt hại chưa trở lại sản xuất, Chính phủ cùng với chính quyền địa phương đang gặp từng doanh nghiệp để bàn bạc phương án có lý, có tình, phù hợp và được cả 2 bên đồng thuận.

“Chính phủ đã làm một cách trách nhiệm và nhận được chia sẻ, phối hợp, đồng thuận của các doanh nghiệp với Chính phủ. Mong các bạn ủng hộ Việt Nam để giải quyết thật tốt sự cố không mong muốn này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết, tiếp tục bảo đảm, tăng cường ngày càng vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đảm bảo môi trường sống tuyệt đối an toàn cho mọi người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài đang công tác, học tập, sinh sống tại VN. “Hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn đủ sức để thực hiện mục tiêu, chính sách, quyết tâm này”, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Thủ tướng một lần nữa khẳng định quan điểm, Việt Nam kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bằng biện pháp hào bình, theo luật quốc tế, nhưng  không có tình trạng manh động như vừa qua.

Bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, hoan nghênh hành động của Chính phủ sau sự kiện đáng tiếc xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai. “Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả một cách minh bạch, hợp lý và chuyên nghiệp”, bà Virginia nói.

Bà Virginia Foote cho biết, một ủy ban thực hiện các biện pháp bồi thường, khắc phục sự cố với sự góp mặt của quốc tế, tuân theo các tiêu chuẩn toàn cầu sẽ có thể có tác động tích cực to lớn, nâng cao đến hình ảnh và danh tiếng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. VBF luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ khi có yêu cầu. 

“Tất cả chúng ta đang làm việc và cùng tin tưởng vào con người cũng như công nghệ từ Việt Nam, và nhiều quốc gia để góp phần phát triển hoạt động kinh doanh, du lịch, và chuỗi cung ứng hiệu quả”, bà Virginia nói.

Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho biết, dù một số doanh nghiệp Nhật Bản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cam kết gắn bó lâu dài với Việt Nam. “Tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, để thể thu hút thêm các doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam”, Chủ tịch JBAV nói.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, sự kiện biểu tình tại Bình Dương, Đồng Nai đã gây ảnh hưởng hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây là sự cố hy hữu, chưa bao giờ xảy ra tại Việt Nam, do đó Chính phủ không thể ngay lập tức có chính sách phù hợp, cần thời gian để xử lý. Tuy nhiên, Chính phủ cũng rất quyết tâm, chỉ thời gian ngắn riêng Thủ tướng đã có 6 văn bản chỉ đạo xử lý và khắc phục sự cố, chưa kể các bộ ngành.

“Chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp nước ngoài bị thiệt hại đã sớm khắc phục để khôi phục sản xuất và tiếp tục tin tưởng gắn bó dài hạn với Việt Nam. Chúng tôi cam kết bảo đảm, an toàn, an ninh cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt nam trong tương lai”, ông Vinh nói.