Vỉa hè và nhóm lợi ích

TP - Có một điều phi lý là trong lúc thành phố bỏ ra hàng chục triệu đồng giải phóng mặt bằng một mét vuông để xây dựng những tuyến đường mới thì...

...lại có hàng triệu mét vuông vỉa hè đang bị “thâm canh” trong khi nhà nước hầu như không thu được gì. Điều bức xúc hơn cả là việc vỉa hè Hà Nội đang bị sử dụng sai mục đích bởi muôn vàn lý do trong khi mục đích tối thượng của nó là phục vụ người đi bộ - cũng chính là một biện pháp giảm ùn tắc và TNGT. Hệ lụy của nó là thói quen đi bộ cho người dân thủ đô đã không còn.

Vỉa hè bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe, điểm kinh doanh, người dân không thể đi bộ để tiếp cận các phương tiện vận tải công cộng mà thay vào đó phải đi xe máy, ô tô. Đương nhiên họ sẽ phải đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường. Vỉa hè bị chiếm dụng cũng đồng nghĩa với việc người dân phải tràn xuống lòng đường nếu muốn đi bộ, đường sẽ tắc và còn gây tai nạn nguy hiểm… Vòng luẩn quẩn ùn tắc và tai nạn xem ra chưa có lối thoát, còn bộ mặt đô thị ngày một thêm nhếch nhác.

Theo quy định của pháp luật, vỉa hè thuộc kết cấu giao thông đô thị và phải được sử dụng đúng chức năng. Thế nhưng năm 2006 bằng Quyết định 227, Hà Nội đã linh động cho vỉa hè thêm chức năng: Làm nơi kinh doanh ăn uống theo giờ quy định và kiêm bãi trông giữ xe. Kế đó, năm 2007, Hà Nội ban hành Quyết định 55 phân cấp toàn bộ vỉa hè về các quận huyện quản lý. Vào thời điểm đó, đã có 2 triệu mét vuông vỉa hè được bàn giao từ Sở Giao thông công chính (nay là Sở GTVT) về các quận, huyện quản lý và diện tích này đến nay tăng lên đáng kể.

Về mặt lý thuyết, sự phân cấp quản lý và khai thác vỉa hè sẽ giúp việc quản lý vỉa hè tốt hơn. Nhưng trên thực tế, bốn năm qua là quãng thời gian mà ai cũng thấy vỉa hè ngày càng bị chiếm dụng. Vỉa hè đã thực sự là một thứ hàng hóa. Hơn thế, vỉa hè còn là cái để người ta gây dựng nên những thứ quyền lực ngầm. Trong một xã hội mà kinh tế chủ yếu dựa vào kinh doanh mặt tiền thì quyết định thành bại trong kinh doanh một phần là do có quyền sử dụng vỉa hè hay không?

Tình trạng lộn xộn, rối ren mất trật tự an toàn giao thông, cảnh quan đô thị cấp chính quyền nào cũng thấy. Nhưng khi được hỏi vì sao không xử lý, thì lại có một ngàn lẻ một lý do được nại ra. Thực sự chẳng ai muốn động đến vấn đề “tế nhị”- bởi ai cũng biết rằng vỉa hè là con gà đẻ trứng vàng. Và, dĩ nhiên ở đâu có quyền lợi thì hiện hữu quyền lực ở đó. Vỉa hè Hà Nội thật khó trở về với chức năng dành cho người đi bộ cũng tại bởi nó đã trở thành chốn mưu sinh, làm ăn, tạo ra quá nhiều lợi lộc và thậm chí là nơi để người ta phân chia cho các nhóm lợi ích.

Theo Báo giấy