Trao đổi với PV, ông Bùi Thái Song (đại diện Công ty Cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing), người phụ trách dự án xã hội hóa 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn Hà Nội cho biết, việc lắp đặt chậm các NVSCC hiện nay là do phải thay đổi các vị trí lắp đặt. Lý do bởi tại một số vị trí, đơn vị thi công gặp phản ứng gay gắt của người dân, gây cản trở, thậm chí có nơi đơn vị thi công phải ngừng thi công, hoàn trả lại mặt bằng.
Theo ông Song, do chưa hiểu được các công nghệ mà phía công ty sử dụng trong NVSCC, công nghệ xử lý chất thải bằng hóa chất không gây mùi thoát ra ngoài nên người dân phản ứng, không đồng ý. Bên cạnh đó, tại một số phường trên địa bàn Hà Nội hiện chưa xác định rõ vị trí lắp đặt nên chưa thể triển khai lắp đặt ngay. Theo lời chủ đầu tư, đã có 2 NVSCC được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tế khảo sát của PV cho thấy, mới chỉ 1 NVSCC duy nhất trên phố Trần Nhân Tông (cổng Công viên Thống Nhất) là đang hoạt động. Còn NVSCC tại vườn hoa Yersin đã đóng cửa vì lý do không có... đường cấp nước.
Sau 6 tháng, đây là NVSCC mới duy nhất hoạt động, tính đến thời điểm này
Trong khi đó, một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng lại cho rằng: Chủ đầu tư thiếu thông báo cho địa phương, dẫn đến việc lắp đặt các NVSCC gặp khó.
"Chúng tôi chỉ nhận được văn bản thông báo khi nhà đầu tư lắp đặt NVSCC ở vườn hoa Pasteur (đường Lê Thánh Tông). Chứ không nhận được sơ đồ quy hoạch cụ thể để tuyên truyền với người dân", đại diện UBND phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, chủ trương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 1.000 tỷ đồng xây dựng 1.000 nhà VSCC trên địa bàn của UBND thành phố là đúng đắn và cần thiết, nhất là ở thời điểm Nghị định 155 về xử phạt các hành vi xả thải nơi công cộng có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Hà Nội cần xem xét lại cách thức kêu gọi nhà đầu tư để đạt hiệu quả.
Theo TS. Liêm, việc để doanh nghiệp quy mô nhỏ huy động 1.000 tỷ để xây dựng NVSCC là rất khó khăn. Nếu muốn đưa chủ trương thành hiện thực nhanh chóng, Hà Nội cần ứng tiền ngân sách để xây dựng tại các địa điểm phù hợp. Sau đó mời các doanh nghiệp có tiềm lực chi trả vốn đối ứng từ ngân sách ra xây dựng. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ khai thác quảng cáo. “Mô hình như vậy mới giúp đảm bảo đợc việc xây dựng NVSCC nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân Thủ đô”, ông Liêm nhận định.