Vì sao những kẻ đánh bom tự sát thường là anh em

Tình cảm ruột thịt, họ hàng sẽ giúp các phần tử khủng bố dễ dàng phối hợp hành động, bao che cho nhau để bảo vệ tổ chức, cũng như có thêm dũng khí để sẵn sàng thực hiện hành động cực đoan.

Ngày 22/3, thủ đô Brussels của Bỉ rung chuyển bởi hai vụ nổ bom ở sân bay và ga tàu điện ngầm, làm ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Sau khi điều tra xác minh, cảnh sát Bỉ đã xác nhận hai kẻ đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế Zaventem là anh em El Bakraoui, từng có tiền án tiền sự và đều được cảnh sát "biết mặt", theo Le Monde.

Hai nghi phạm được cho là đã chết sau khi đánh bom sân bay Brussels, Bỉ. Ảnh: Guardian/Twitter.

Đây không phải lần đầu tiên những kẻ đánh bom tự sát ở châu Âu là anh em có cùng huyết thống. Sau vụ thảm sát đêm 13/11/2015 ở Paris, cảnh sát Pháp đã xác nhận danh tính hai nghi can Ibrahim Abdeslam và Salah Abdeslam là anh em trong một gia đình người Pháp gốc Bỉ. Ibrahim đã chết sau khi kích hoạt đai bom, còn Salah mới bị cảnh sát Bỉ bắt giữ.

Trước đó, thủ phạm chính trong vụ xả súng ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo là anh em nhà Kouachi. Những kẻ thực hiện vụ đánh bom cuộc đua marathon ở Boston, Mỹ vào tháng 4/ 2013 cũng là hai anh em mang họ Tsarnaev.

Firouzeh Nahavandi, giám đốc Trung tâm Phát triển và Hợp tác quốc tế Bỉ cho biết ông không ngạc nhiên trước thông tin của cảnh sát và nhận định rằng việc các thủ phạm có cùng huyết thống đang trở thành một đặc điểm trong các âm mưu khủng bố hiện đại.

Theo ông, giữa các thành viên trong một gia đình thường có những ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau về lối sống đạo đức cũng như về tư tưởng. Đó thường là sự khâm phục và ngưỡng mộ của một người em đối với anh trai, hay đơn giản chỉ là tâm lý bắt chước, học hỏi người lớn tuổi.

Xu hướng này phát triển đặc biệt mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu, nơi những gia đình đạo Hồi thường phải sống trong những điều kiện khó khăn hơn người bản địa về vật chất và tinh thần. Chính vì thế các thanh niên Hồi giáo cùng huyết thống thường có tinh thần đoàn kết rất cao. Tính đoàn kết noi gương nhau, cộng với tâm lý muốn chứng tỏ bản thân đã đẩy nhiều thành viên trong các gia đình Hồi giáo đến với con đường jihad.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khai thác triệt để đặc điểm tâm lý này để đẩy mạnh việc chiêu mộ các thành viên mới.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội Độc lập New America, 1/4 số tay súng phương Tây tham gia IS do bị người thân trong gia đình đã gia nhập trước đó lôi kéo và thuyết phục. Khảo sát cũng cho thấy 3/5 số chiến binh phương Tây của IS có người thân từng sinh sống tại Syria.

Anh em nhà Kouachi, thủ phạm vụ xả súng ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo. Ảnh: AFP

Theo Nahavandi, khi đã chiêu mộ thành công các thành viên trong cùng gia đình vào hàng ngũ jihad, các lãnh đạo của IS tiếp tục thuyết phục họ thực hiện các nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy "vinh quang" như tấn công khủng bố và đánh bom tự sát. Lý do chính là tư tưởng "tử vì đạo" và khát khao khẳng định bản thân của các phần tử này thường cao hơn nhiều so với các chiến binh đơn lẻ, không có người thân bên cạnh.

"Một khi họ đã thuyết phục người thân gia nhập thánh chiến, tư tưởng trọng đạo của họ là rất cao, các thủ lĩnh IS rất biết cách tận dụng đặc điểm này", Nahavandi khẳng định

Bên cạnh đó, Florence Renard, bình luận viên của Les Echos đánh giá rằng bản thân các phần tử tấn công khủng bố hoặc đánh bom liều chết cũng thường mong muốn và tự nguyện hành động cùng nhau.

Theo đó, trong trường hợp tấn công khủng bố hoặc xả xúng rồi tẩu thoát, các thành viên này thường dễ phối hợp cùng nhau hơn vì có thời gian dài sống cùng nhau và hiểu tính cách của nhau. Khi một thành viên bị bắt, quyết tâm bao che đồng bọn, bảo vệ bí mật của tổ chức của chúng cũng cao hơn so với các thành viên không cùng huyết thống. Đối với nhiệm vụ đánh bom tự sát, các đối tượng này lại càng có đức tin và "dũng khí" để có thể kích hoạt quả bom gắn trên người khi nghĩ rằng mình sẽ được bên cạnh người thân ở "thiên đường".

Rik Coolsaet, chuyên gia nghiên cứu về mạng lưới chiến binh jihad người Bỉ cho rằng quan hệ ruột thịt, họ hàng hay bạn bè có vai trò rất quan trọng trong việc đưa đẩy các thành viên đến với các hoạt động khủng bố và đánh bom tự sát.

Một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania về yếu tố gia đình trong các vụ khủng bố cho thấy 64% trường hợp gia đình nhận thức được ý định và hành vi khủng bố của các đối tượng thông qua những cuộc trò chuyện.

Theo Coolsaet, khủng bố cũng giống như bất kỳ một hoạt động nào khác của con người ở đặc điểm mang tính xã hội cao, chỉ có hậu quả gây ra là khác biệt. Các thành viên bắt đầu bằng việc cùng quan tâm đến những ý tưởng, những tư tưởng, rồi đến những hành động thậm chí rất đáng sợ của nhau, đơn giản là những người bên cạnh họ cũng quan tâm đến điều đó.

"Hiện tượng các thành viên trong gia đình tham gia các hoạt động khủng bố sẽ ngày càng phổ biến do những đặc điểm về xã hội và tôn giáo. Điều này chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho các lực lượng chống khủng bố của các quốc gia do tính bí mật và khó lường của nó mang lại", Coolsaet khẳng định.

Theo Theo VnExpress