Vì sao Nga tăng cường vũ khí hiện đại tại Crimea?

TPO - Chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga, Đô đốc Aleksandr Vitko vừa tuyên bố các phi đội máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM ở Crimea sẽ được tăng cường bằng những máy bay mới trong năm 2016.

Đô đốc Vitko cho biết: "Việc bổ sung các tiêm kích Su-30SM vào bộ phận không quân thuộc Hải quân Liên bang Nga không chỉ để tô điểm cho các cuộc diễu binh ở Sevastopol, mà còn phục vụ cho việc sử dụng các phương tiện hàng không hiện đại vào thực tế trên thao trường."

Ông Viko cho biết thêm bộ phận không quân thuộc Hạm đội Biển Đen đã thực hiện tổng cộng 250 lượt bay với 5.000 giờ bay. Đây là thông số xuất sắc nhất trong thập kỷ qua.
Trước khi Crimea nhập vào thành phần Liên bang Nga, chính quyền Ukraine đã tìm mọi cách cản trở hoạt động đổi mới của hạm đội Biển Đen. 
Trong suốt hơn 20 năm, nhóm hàng không của hạm đội này ở Crimea chỉ được bổ sung bằng máy bay ném bom Su-24 thế hệ trước.

Trước đó Nga đã lên kế hoạch điều động chiến đấu cơ Tupolev Tu-22M3 tới Crimea  như một hành động đáp trả việc Mỹ lên kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa đất đối không tại Romania.

Giới chuyên gia cho rằng máy bay ném bom Nga khi được triển khai có thể tấn công các tàu mặt nước cỡ lớn, bao gồm cả tàu sân bay.

Một nguồn tin trong Bộ quốc phòng Nga tiết lộ, nước này luôn thấy cần phải duy trì mẫu máy bay ném bom chiến lược ở phía nam, và giờ là thời điểm thích hợp.

"Hiện đã có những điều kiện thuận lợi để các máy bay này trở lại Crimea, nơi từng được xem như "một hàng không mẫu hạm không thể bị đánh đắm", nguồn tin trên phát biểu với Interfax.

Theo chuyên gia quân sự Igor Korotchenko, đây là quyết định hoàn toàn hợp lý, bởi việc triển khai máy bay ném bom Tu-22M3 tới Crimea "sẽ đối trọng lại mối đe dọa từ hệ thống phòng thủ chống tên lửa của châu Âu tại Romania, và đảm bảo quyền kiểm soát trên Biển Đen".

Trong một động thái khác, hôm 24/1, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố Kiev sẽ kiện Nga ra toà án quốc tế trong 2 tuần tới nhằm đòi lại bán đảo Crimea.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh tới quan điểm của mình rằng, Crimea luôn nằm trong chương trình nghị sự của Ukraine khi làm việc với đối tác quốc tế. Trong hai tuần tới, các bạn sẽ được chứng kiến hàng loạt vụ kiện, bao gồm cả những vụ liên quan tới các công ty tư nhân. Chúng tôi sẽ đưa một số vụ kiện lên tòa án quốc tế”, Tổng thống Poroshenko nói.

Giữa cuộc khủng hoảng chính trị và thay đổi quyền lực tại Kiev hồi tháng 2-2014, hội đồng tối cao Crimea và hội đồng thành phố Sevastopol đã tuyên bố độc lập vào hôm 11-3-2014. Theo sau đó, một cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập với Nga đã được tổ chức vào ngày 16-3-2014, với kết quả là 95% người dân chấp thuận.

Sau khi hiệp ước sáp nhập Crimea và Sevastopol được quốc hội Nga chấp thuận, Tổng thống Putin đã chính thức kí văn bản công nhận 2 khu vực này là một phần lãnh thổ thuộc Nga vào ngày 21-3-2014.

Hiện Mỹ và EU vẫn từ chối công nhận Crimea là một phần của Nga và trừng phạt Moscow về hành động trên bằng các biện pháp về kinh tế, cũng như cô lập chính trị.

Sau khi Crimea về với Nga, Moscow đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, dân sinh, cũng như nâng cấp hạm đội biển Đen tại khu vực này nhằm đảm bảo an ninh cho toàn bán đảo cũng như các quyền lợi của Nga trong khu vực.

Vì thế có thể nhận thấy, việc tăng cường quân sự cùng các khí tài hiện đại như một cách thể hiện không có lí do gì dễ để Nga tuột mất Crimea.

Căn cứ hải quân ở Sevatopol (rìa phía Tây Nam của Crimea) là căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở vùng nước ấm áp và cũng là địa điểm quan trọng để triển khai lực lượng thông qua Địa Trung Hải. Mặc dù hiệp ước thuê cảng này giữa Nga và Ukraine có hiệu lực đến tận năm 2047, phần lớn đường bờ biển của biển Đen thuộc về NATO, ngoại trừ Georgia ở phía Đông và Ukraine ở phía Bắc. Như vậy,  nếu không có căn cứ quân sự ở Crimea, Nga sẽ không còn là thế lực quân sự đáng gờm của thế giới.