Vì sao Lịch sử trở thành môn 'khốc liệt' nhất kỳ thi THPT 2019

TPO - Năm nay, điểm thi môn Lịch sử tiếp tục ở top cuối khi 70,01% bài thi dưới điểm trung bình. Vậy đây là điều bình thường hay bất thường?

Sau khi phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay, GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phổ điểm thi THPT quốc gia năm có nhiều điều thú vị, thể hiện rõ nhất ở số lượng điểm cao, từ 8 trở lên ở các môn tăng cao hơn nhiều so với năm ngoái.

Cụ thể, ở môn Vật lý, số bài thi đạt 8 điểm trở lên là 20.173 bài, chiếm 6%, trong khi năm ngoái có 11.459 bài thi đạt điểm 8 trở lên, chiếm 2,8%; môn Hóa học, số bài thi đạt 8 điểm trở lên là 13.203 bài, chiếm 3,89%, năm ngoái là 10.119 bài chiếm 2,57%.

Môn Toán, số bài thi đạt điểm 8 trở lên 80.554 bài, chiếm 9,1%, trong khi năm ngoái là 11.286 bài, chiếm 1,23%

Bất ngờ nhất với GS Nguyễn Hữu Đức là số bài thi có điểm cao từ 8 trở lên của môn Lịch sử năm nay có tới 12.472 bài, chiếm hơn 2,18%, năm ngoái con số này là 4226 bài, chiếm 0,7%. Như vậy, số học sinh có điểm 8 trở lên của môn Lịch sử tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.

“Điểm môn Lịch sử năm nay như vậy là ổn, chắc chắn tổ hợp xét tuyển có môn học này điểm xét tuyển cũng sẽ cao. Số liệu phổ điểm như năm nay là yên tâm, hợp lý, phản ánh tương đối tốt chất lượng ra đề thi, chất lượng dạy và học” - GS Đức nhận định.

>>>Hướng dẫn tra cứu điểm thi THPT quốc gia tại đây

Năm nay là năm tiếp theo môn Lịch sử có số điểm dưới trung bình thấp nhất, chiếm 70,01% nhưng theo bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, điểm môn Lịch sử cũng nằm trong số các môn có nhiều điểm 10 (80 bài thi), phổ điểm môn Lịch sử đã phản ánh đúng việc dạy và học hiện nay ở bậc phổ thông.

Bà Nga cho rằng, môn Lịch sử trong nhiều năm có phổ điểm thấp nhất là do phương pháp dạy của chúng ta chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, học sinh chưa hứng thú học nên kết quả học tập không cao.

Phổ điểm môn Lịch sử kỳ thi THPT 2019.

Là người theo dõi và đưa ra kết quả phân tích phổ điểm môn Lịch sử nhiều năm, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có một tổ nghiên cứu để lí giải tại sao môn Lịch sử luôn là môn thi “khốc liệt” nhất.

Đứng ở góc độ bộ phận ra đề thi, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết do mục đích của thí sinh lựa chọn môn này đã quyết định điểm thi.

Những thí sinh chọn môn Lịch sử để xét tuyển ĐH có điểm thi rất cao, trung bình từ 5 điểm trở lên. Nhưng các trường chọn tổ hợp có môn lịch sử để xét tuyển không nhiều nên số lượng thí sinh lựa chọn môn này để xét tuyển cũng không cao.

Trong khi đó, số thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội để thi lại lớn hơn số thí sinh lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên. Không những thế, trong tổ hợp khoa học xã hội, môn giáo dục công dân có tính ứng dụng thực tiễn cao, môn Địa lý thí sinh được mang atlat nên các em đều tập trung vào hai môn thi này để gỡ điểm cho môn lịch sử.