Vì sao kế hoạch trang bị tên lửa siêu vượt âm của hải quân Mỹ bị chỉ trích?

TPO - Nga "đẽo giày cho vừa chân" trong khi Mỹ "đẽo chân cho vừa giày". Đó là vấn đề mà kế hoạch bị chỉ trích. Cụ thể, đó là kế hoạch trang bị cho tất cả các tàu khu trục trong hải quân Mỹ tên lửa siêu vượt âm vẫn đang được phát triển.
Một tàu Arleigh Burke

Theo Defense News, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O'Brien nói tại Nhà máy đóng tàu Hải quân Portsmouth: "Chương trình tấn công phủ đầu công ước (CPS) của Hải quân Mỹ sẽ cung cấp tên lửa siêu vượt âm để có thể tấn công mục tiêu ở tầm xa hơn".

 Ông nói tiếp: "Khả năng này sẽ được triển khai trước tiên trên các tàu ngầm lớp Virginia mới nhất của chúng ta và các tàu khu trục lớp Zumwalt. Cuối cùng, cả ba phiên bản tàu khu trục lớp Arleigh Burke sẽ được trang bị năng lực này."

 Tên lửa siêu vượt âm - vũ khí tốc độ cao có thể né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống - là lĩnh vực cạnh tranh then chốt giữa ba cường quốc Mỹ-Nga- Trung Quốc. Đầu tháng này, Nga phóng thử tên lửa hành trình chống hạm siêu vượt âm Tsirkon từ tàu khu trục Đô đốc Gorshkov.

 Với cuộc chạy đua vũ trang tên lửa siêu vượt âm đang diễn ra, có thể dễ dàng hiểu tại sao Hải quân Mỹ có thể muốn có tên lửa siêu vượt âm cho các tàu khu trục của mình, điều mà họ đã thảo luận trước đây, nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

 Theo báo cáo tổng quan về ngân sách năm tài chính 2021 của Hải quân Mỹ, tên lửa CPS là sự kết hợp giữa phương tiện siêu vượt âm C-HGB đang phát triển và một tên lửa đẩy hai giai đoạn.

 Các tàu khu trục lớp Zumwalt mới hơn có phóng thẳng đứng (VLS) lớn hơn có thể chứa được tên lửa đường kính lớn với đầu đạn siêu vượt âm, nhưng các tàu khu trục lớp Arleigh Burke cũ hơn có các ô VLS nhỏ hơn nhiều nên cần sửa đổi hoặc thay thế hoàn toàn.

 Bryan Clark, một sĩ quan Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson nói với Business Insider rằng: “Tôi nghĩ đó là một ý tưởng khủng khiếp khi thử trang bị tên lửa siêu vượt âm cho những tàu khu trục này. Ông nói, việc hoán cải hàng chục chiếc Arleigh Burkes của Hải quân Mỹ để chúng có thể mang tên lửa siêu vượt âm mới sẽ rất tốn kém.

 Những gì quân đội Nga dường như đang làm là phát triển một tên lửa siêu vượt âm mới để phù hợp với các tàu chiến hiện có. Quân đội Mỹ có vẻ đang làm ngược lại điều này, trang bị lại các tàu hiện có cho phù hợp với một tên lửa mới, một loại vũ khí có thể nhanh chóng được thay thế bằng một loại vũ khí thay thế nhỏ hơn, rẻ hơn trước tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng.

 Ông Clark nói: “Nếu Hải quân Mỹ đầu tư lớn vào việc trang bị thêm chỉ để thấy trong vòng 5 năm nữa, khi những vũ khí nhỏ hơn này xuất hiện, thì số tiền đó sẽ bị lãng phí phần lớn,” ông Clark nói và nói thêm rằng kế hoạch này “không có ý nghĩa”.

 Ngoài chi phí đắt đỏ của việc tân trang hàng chục tàu khu trục và trang bị cho chúng những tên lửa đắt tiền, trong khi Hải quân Mỹ có thể chỉ đủ khả năng trang bị với số lượng hạn chế, những thách thức khác bao gồm việc đưa số tàu chiến này ra khỏi tình trạng trực chiến và đưa về các nhà máy đóng tàu trong thời gian dài, có khả năng gây trở ngại các công việc sửa chữa, đóng mới khác.

 Nhưng Defense News đưa tin rằng cố vấn O'Brien cũng thúc đẩy tầm nhìn của chính quyền Donald Trump về một lực lượng hải quân có 500 tàu, một tầm nhìn mà Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã công bố hồi đầu tháng nhằm chống lại lực lượng hải quân đang gia tăng của Trung Quốc.