Vì sao đề xuất xếp hạng giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc?

TPO - Giáo viên mầm non kêu vất vả, lương thấp và thực tế nhiều người đã bỏ việc. Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị xếp hạng giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc và giáo viên nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55. Nhiều nhà giáo cho rằng, đề xuất này phù hợp, là động lực để giáo viên gắn bó với nghề.

Qua tuổi 50, giáo viên chậm chạp

Cô giáo Nguyễn Thùy Dương có 15 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ ở một trường mầm non tại quận Hà Đông (Hà Nội) tâm sự, vì yêu nghề mến trẻ nên không quản ngại nắng mưa đến trường từ 6 giờ sáng và chỉ rời trường khi phụ huynh đón hết học sinh. Lắm hôm, phụ huynh tắc đường, gọi điện có việc về trễ, cô giáo vẫn phải nán lại ở lớp đến 7 giờ tối trông trẻ trong khi con mình cũng bơ vơ ở trường chưa ai đón.

“Giáo viên mầm non phải vừa dạy, vừa dỗ, chăm sóc cùng lúc hàng chục trẻ, trong đó lo cho các con ăn, uống, học hát, học múa, cho uống thuốc khi ốm, nôn trớ, vệ sinh… Áp lực nghề nghiệp cũng rất lớn khi phụ huynh liên tục có ý kiến, đòi hỏi chăm sóc toàn diện thế nhưng mỗi tháng đồng lương vẻn vẹn 6 triệu đồng”, cô Dương nói.

Giáo viên mầm non cho rằng, qua tuổi 50 khó đảm bảo sức khỏe để nuôi dạy trẻ.

Đồng lương không đáp ứng cuộc sống, nhiều năm liền cô Dương vừa đi dạy vừa bán hàng online kiếm thêm thu nhập. Cuối cùng, cô quyết định bỏ nghề, tự do kinh doanh.

Cô Lê Thị Hiền Hảo, Trường mầm non Bạch Dương, TP Đà Nẵng cũng nói rằng, nghề giáo viên mầm non vô cùng vất vả. Mỗi ngày, từ lúc đón trẻ đến lúc trả về cho phụ huynh, cô giáo dù độ tuổi nào cũng phải làm đủ việc như: bồng bé, dỗ trẻ, cho ăn, vệ sinh, dạy nhảy, múa, hát... Đó là lúc bình thường, còn những ngày lớp có trẻ ốm, cô giáo còn vất vả bội phần vì các cháu mè nheo, khó ngủ, ho trớ.

Cô tâm sự, sau 10 tiếng làm việc mỗi ngày ở trường, chỉ riêng áp lực với tiếng ồn của trẻ, tối về đến nhà, đầu đau như búa bổ. Nhiều người bước qua tuổi 50 đã chậm chạp, mệt mỏi.

"Với đặc thù của nghề, tôi mong đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nghề nặng nhọc cũng như nghỉ hưu ở độ tuổi 55 là phù hợp. Bởi ở độ tuổi đó, giáo viên đã chậm chạp, khó đảm bảo sức khỏe để dạy học bậc mầm non vốn rất nhiều việc”, cô Lê Thị Hiền Hảo, Trường mầm non Bạch Dương, TP Đà Nẵng Hảo nói.

Lao động vất vả, tiền lương không tương xứng

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo viên mầm non công việc rất vất vả, nặng nhọc nhưng chế độ tiền lương chưa tương xứng với công sức lao động bỏ ra. Các chính sách cộng lại, thu nhập của giáo viên mầm non vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung và công sức lao động bỏ ra.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ, thực tế giáo viên mầm non giờ làm việc nhiều hơn, số giờ trông trẻ dài hơn và đội ngũ đang bỏ ra nhiều sức lực làm việc, không có thời gian phát triển chuyên môn cũng như chăm sóc gia đình. Đó cũng là lý do khiến nhiều người ngại làm giáo viên mầm non.

“Hiện nay, một số địa phương huy động xã hội hóa để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho đội ngũ tuy nhiên vẫn còn thiếu những quy định hành lang pháp lý đầy đủ, bền vững cho việc này. Do đó, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ lưu ý việc bù đắp thù lao cho giờ làm việc nhiều hơn của giáo viên mầm non”, ông Sơn nói.

Về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội, trong góp ý, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc. "Trong các diễn đàn, tôi cũng từng nêu quan điểm, giáo viên mầm non cần có chế độ nghỉ hưu thuộc nhóm lao động nặng nhọc. Nữ giữ tuổi nghỉ hưu ở tuổi 55 và vẫn đảm bảo chế độ, để không có sự thiệt thòi cho đội ngũ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Hiệu trưởng một trường mầm non tại quận Ba Đình (Hà Nội) cũng chia sẻ, lương cơ bản điều chỉnh tăng từ tháng 7/2023 nhưng cơ bản thu nhập giáo viên không tăng bao nhiêu. Giáo viên có thâm niên làm việc 15 năm mới chỉ có mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng; giáo viên làm việc dưới 5 năm chỉ có mức 4-5 triệu đồng/tháng. Nghề đòi hỏi giáo viên phải trẻ, khỏe mới đảm đương tốt nhiệm vụ do đó cần đưa vào nghề lao động nặng nhọc và nghỉ hưu ở độ tuổi 55.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 3 năm học gần đây, có hơn 40.000 giáo viên nghỉ việc.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đề xuất xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại là rất cần thiết. Bởi giáo viên bậc mầm non có những đặc thù riêng, vất vả hơn so với các bậc học khác. Đề xuất xếp giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, có những chính sách cụ thể, thiết thực sẽ là nguồn động viên, động lực cho nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.

"Trong khi đồng lương không đủ sống, không có chính sách hỗ trợ trong bối cảnh nhiều người nghỉ việc như hiện nay, trong thời gian tới sẽ còn có nhiều người bỏ việc, khi đó ngành sẽ thiếu đội ngũ trầm trọng”, PGS Nhĩ nói.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 3 năm học gần đây, có hơn 40.000 giáo viên nghỉ việc, trong đó giáo viên mầm non chiếm số lượng lớn nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do công việc đặc thù vất vả, áp lực nhưng chế độ tiền lương thấp, không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Nhiều địa phương thiếu giáo viên mầm non trầm trọng dù có chính sách thu hút như hỗ trợ 100 triệu đồng/lần/người nhưng vẫn không tuyển dụng được giáo viên.