Vì sao dạy học trực tuyển ở Việt Nam còn khó khăn?

TPO - Dịch COVID-19 đã đặt ngành giáo dục nói chung và giáo dục Đại học nói riêng vào trong bối cảnh phát triển mới: giáo dục trực tuyến.

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hệ sinh thái giáo dục trực tuyến - Mô hình, tổ chức và một số yếu tố đảm bảo chất lượng".

Trình bày tại hội thảo, ông Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua ở Việt Nam đã hình thành 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến là hỗ trợ dạy học trực tiếp, thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp, thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. 

"Giáo dục trực tuyến đã có từ nhiều năm nay với sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, thực hiện dạy học trực tuyến nói chung, dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua nói riêng thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập", ông Trương Tiến Tùng nhấn mạnh. 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay, hoạt động dạy học trực tuyến vừa qua cũng đã cho thấy một số khiếm khuyết như: Giáo viên và học sinh, sinh viên chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi sang học tập trực tuyến, cả về phương pháp cũng như tư duy. Cả người học và người dạy còn thiếu các điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho hoạt động dạy học trực tuyến.

Hệ thống quản lý chưa theo kịp sự phát triển, công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát chưa phù hợp với phương thức dạy học mới; nội dung dạy học chưa được thiết kế với phương thức truyền tải mới; quản lý tiến độ học tập chưa được thực hiện phù hợp, cách quản lý vẫn mang nặng tính chất của quản lý dạy học trực tiếp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo, các kết quả nghiên cứu, các bài học thực tiễn được chia sẻ tại Hội thảo về các vấn đề lý luận, những vấn đề đã phát sinh cũng như các giải pháp trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến ở Việt Nam.