Vội vàng thu gọn bệnh viện dã chiến, tuyến dưới sẽ gặp khó
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 179.705 ca mắc COVID-19; 1.683 ca tử vong và hơn 147.000 bệnh nhân xuất viện về nhà. Hiện các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 43.308 bệnh nhân, có 5.529 F0 đang cách ly tại nhà.
Để theo dõi các F0 cách ly tại nhà, đảm bảo xử lý khẩn cấp khi cần thiết, Bình Dương đã thành lập 51 Trạm Y tế lưu động tại “vùng đỏ” và 91 Trạm Y tế lưu động tại “vùng xanh”.
Vào ngày 15/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã công bố địa phương trở về trạng thái bình thường mới, đồng thời ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế, xã hội trong tình hình mới.
Theo đó, ngoài việc nới lỏng “vùng xanh”, cho phép các hoạt động kinh doanh thiết yếu trở lại, Bình Dương có kế hoạch thu gọn các khu cách ly, điều trị và bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Kế hoạch này nhằm trả lại các cơ sở đã trưng dụng trước đó để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới.
Với việc phân tuyến theo mô hình “tháp 3 tầng" như hướng dẫn của Bộ Y tế, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương được các chuyên gia y tế đánh giá đang tốt, nhất là ở công tác thu dung, điều trị các F0 triệu chứng nhẹ ở tầng 1, 2. Đặc biệt các bệnh viện dã chiến hiện đại, quy mô lớn được tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp trên địa bàn đưa vào hoạt động thời gian qua đã phát huy tối đa vai trò của mình. Hàng chục nghìn F0 đã được tiếp nhận điều trị và chữa khỏi.
Nhìn vào bối cảnh hiện nay tại Bình Dương, mặc dù trở lại trạng thái bình thường mới nhưng dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, ca mắc mới có giảm nhưng vẫn ở mức 4 con số mỗi ngày. Trong khi đó, các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện hiện đang phải vừa gồng gánh chức năng điều trị COVID-19 nên tỏ ra e ngại không hoặc miễn cưỡng tiếp nhận điều trị bệnh nhân thông thường.
Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thuận An cho biết, hiện các cơ sở y tế tuyến dưới đang chịu nhiều áp lực. Trong đó, nhân sự mỏng nhưng phải đáp ứng điều trị cho cả bệnh nhân COVID-19 và bệnh thông thường.
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, hầu hết các cơ sở y tế tuyến huyện đang gặp khó khăn chung khi đồng thời đảm nhiệm hai nhiệm vụ chống COVID-19 và điều trị bệnh thông thường.
“Trong trường hợp thu gọn các bệnh viện dã chiến, áp lực sẽ tăng lên đối với cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là khi phải đối mặt với số lượng ca mắc mới tăng”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Dĩ An chia sẻ.
F0 ở Bình Dương khó cách ly tại nhà
Ngành y tế Bình Dương nhận định F0 trên địa bàn hầu hết không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, địa phương hiện vẫn chưa thể đồng loạt triển khai hình thức cách ly, điều trị tại nhà diện rộng cho F0.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, với đặc thù có đông người lao động ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc nên điều trị cách ly F0 tại nhà rất khó thực hiện có hiệu quả ở Bình Dương.
Tương tự, TS.BS Nguyễn Hồng Chương – Giám đốc Sở Y tế Bình Dương nhận định, do mật độ dân số, điều kiện phòng trọ nhỏ hẹp và ca mắc chủ yếu là công nhân ở trọ, do đó việc cách ly F0 tại nhà khó triển khai trên diện rộng.
PV báo Tiền Phong đã tham khảo ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp hỗ trợ Bình Dương xây dựng bệnh viện dã chiến. Tất cả các doanh nghiệp đều cho rằng, họ sẵn sàng hỗ trợ tỉnh nhà duy trì và mở rộng các khu điều trị dã chiến để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng cho đến khi dịch bệnh thật sự được kiểm soát.
Trao đổi với PV Tiền Phong về kế hoạch thu gọn bệnh viện dã chiến, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương không “xóa” bệnh viện dã chiến mà chỉ rà soát, củng cố lại để hoạt động chuyên nghiệp hơn.
“Hiện các đoàn y tế tình nguyện viên các tỉnh lần lượt quay trở về nên nhân lực tại chỗ đang trong tình trạng “có bao nhiêu xài bấy nhiêu”. Các bệnh viện dã chiến đang phát huy hiệu quả. Nếu duy trì bệnh viện dã chiến sẽ giảm áp lực cho các tuyến”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TX Tân Uyên bày tỏ.
Được biết, Bình Dương hiện có các bệnh viện dã chiến: Bệnh viện dã chiến số 1 với tổng số 3.000 giường bệnh đặt tại WTC EXPO và Xưởng khởi nghiệp của Trường Đại học quốc tế Miền Đông.
Bệnh viện dã chiến thứ 2 được đặt tại Khu nhà xưởng Becamex (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) với sức chứa trên 13.000 giường. Bệnh viện dã chiến số 3 được đặt tại Trường Đại học Việt Đức (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) với quy mô khoảng 3.000 giường.
Bệnh viện dã chiến số 4 được đặt tại Khu nhà xưởng Công ty Hoàng Hùng (huyện Bàu Bàng) với quy mô khoảng 3.000 đến 5.000 giường.
Cùng với đó, Quân khu 7 phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã thành lập và đi vào hoạt động bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B, được đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh (phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một). Nơi đây có khả năng tiếp nhận và điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19.
Bệnh viện Tâm thần Bình Dương (phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên) được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến từ tháng 6/2021 với quy mô khoảng 200 giường, chuyên nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Bệnh viện dã chiến Hồi sức cấp cứu quy mô 500 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Quốc tế Becamex.