Ngay đầu năm 2019, nhạc sỹ trẻ Châu Đăng Khoa bị nhà thơ Linh Linh tố cáo vi phạm tác quyền. Cụ thể, các ca khúc Tình nhân ơi và Người lạ ơi của Châu Đăng Khoa lấy ý tưởng cũng như vay mượn một số câu từ trong tập thơ Những nỗi buồn không tên của Linh Linh. Ban đầu Châu Đăng Khoa chối, cho rằng đó là những ca khúc mình sáng tác mới, không vay mượn của ai hết. Nhưng sau đó, trước những phân tích chi tiết về câu chữ, Châu Đăng Khoa thừa nhận những câu thơ đó chỉ là cảm hứng để anh sáng tác. Nhưng dư luận không chấp nhận lập luận của Châu Đăng Khoa, gây áp lực khiến nhạc sỹ trẻ phải xin lỗi nhà thơ Linh Linh, bồi thường tiền tác quyền.
Một vụ việc khác gây xôn xao dư luận là việc các ca sỹ Việt đua nhau cover lại ca khúc Độ ta không độ nàng (Một ca khúc nhạc Hoa trong phim hoạt hình Trung Quốc được viết lời Việt). Sự việc “adua” theo phong trào này có lẽ đã lắng xuống nếu như không có một công ty đứng ra mua tác quyền ca khúc từ chính chủ sở hữu lên tiếng, yêu cầu các ca sỹ Việt thể hiện Độ ta không độ nàng phải trả tiền tác quyền. Sau đó, có hàng chục ca sỹ phải gỡ ca khúc trên ra khỏi các trang âm nhạc, dù có ca sỹ nhận được hàng chục triệu lượt view ca khúc này.
Album Mùa thu chết bị tố vì vi phạm tác quyền
Ca sỹ Đức Tuấn luôn cẩn trọng trong việc sử dụng ca khúc, cũng bị vướng lùm xùm khi các con của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh lôi Đức Tuấn vào những tranh chấp của gia đình. Cụ thể, ca sỹ Mỹ Lan, đại diện con trai Trần Thiện Thanh lên tiếng phản đối, cho rằng Đức Tuấn đã hát sai lời của ca khúc Hoa trinh nữ và đòi kiện ra tòa. Nhưng người con còn lại của Trần Thiện Thanh (Cũng có quyền lợi trong việc khai thác các tác phẩm âm nhạc của Trần Thiện Thanh) lại ủng hộ Đức Tuấn. Dù vụ tranh chấp tác quyền của Trần Thiện Thanh vẫn chưa được giải quyết nhưng chính vì thế mà những ca sỹ yêu nhạc Trần Thiện Thanh gặp khó khăn khi muốn hát lại các ca khúc của ông.
“Ông lớn” cũng vi phạm
Không chỉ cá nhân vi phạm, tại Việt Nam nhiều công ty lớn cũng vi phạm về tác quyền. Tháng 8 năm nay, khi bộ phim Ngôi nhà bươm bướm ra mắt khán giả thì bị ca sỹ Noo Phước Thịnh, Thu Minh kiện vì phim sử dụng những ca khúc do họ thể hiện mà không xin phép. Sau khi các ca sỹ đưa đơn kiện, đại diện nhà sản xuất phim đưa ra giấy tờ chứng minh mua bản quyền ca khúc tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Tuy nhiên, đại diện cho VCPMC cho biết đoàn làm phim chỉ mua tác quyền sử dụng ca khúc mà chưa mua các quyền liên quan của ca khúc: quyền người biểu diễn, hoà âm phối khí, bản ghi âm ghi hình... Cuối cùng nhà sản xuất phim Ngôi nhà bươm bướm phải bồi thường cho hai ca sỹ.
Vào cuối tháng 11, ca sỹ Giang Hồng Ngọc bị tố vi phạm tác quyền khi phát hành album Mùa thu chết. Điều đáng nói là ê kíp của Giang Hồng Ngọc mua tác quyền tại VCPMC cho việc phát hành album dưới dạng online. Tuy nhiên sau đó ê kíp thực hiện Mùa thu chết lại in ra một số đĩa để làm quà tặng. Theo đại diện của VCPMC dù chỉ in tặng, Giang Hồng Ngọc vẫn vi phạm vì không mua tác quyền cho loại hình phát hành này.
Gần nhất, vào giữa tháng 12, Toà án Quận 10 đưa ra xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là nhạc sỹ Trường Nhân và bị đơn là ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng. Theo đơn kiện, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng sử dụng ca khúc Chút tình phai để công diễn, phân phối tác phẩm trên thị trường của Trường Nhân mà không xin phép tác giả. Còn theo đại diện của Đàm Vĩnh Hưng, ca sỹ chỉ hát theo hợp đồng sản xuất album do một công ty thực hiện. Sau nhiều lần hoà giải không thành, phiên toà được mở nhưng do vắng khá nhiều người có liên quan, đã hoãn lại.
Đánh giá về việc nở rộ tranh chấp tác quyền âm nhạc, Luật sư Nguyễn Mạnh Quí cho biết: Không phải năm nay các vụ vi phạm về tác quyền mới nở rộ, trong những năm trước cũng rất nhiều vụ vi phạm xảy ra nhưng do các bên thường âm thầm giải quyết với nhau nên dư luận ít biết. Hơn 20 năm công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam nhưng vẫn có nhiều vụ vi phạm về tác quyền là điều đáng buồn.
“Do thói quen sử dụng miễn phí lâu nay của nhiều người cũng như các vụ vi phạm chưa được xử lý thỏa đáng đã khiến tình trạng vi phạm tác quyền âm nhạc không giảm đi. Việc dư luận quan tâm nhiều đến tác quyền là điều tốt. Những vi phạm cần xử lý đích đáng để công ước Berne có thể phát huy hiệu quả hơn”. Luật sư Nguyễn Mạnh Quý