Duyên nợ với Con Cuông
Có lần ngồi nói chuyện với cựu Bí thư huyện Con Cuông Nguyễn Đình Hùng, người vừa được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An, tôi hỏi anh: “Không rõ tên Con Cuông nguồn gốc từ đâu?”. Anh Hùng chuyển cho tôi một tài liệu trong Địa chí huyện Tương Dương (2003) của PGS Ninh Viết Giao. Về tên gọi Con Cuông, sách ghi mảnh đất này “vốn là Cồn Cuông, được cắt một phần đất huyện Tương Dương gồm từ Khe Thơi xuống đến giáp huyện Anh Sơn mà lập thành huyện Cồn Cuông, sau gọi chệch thành Con Cuông”. Cũng tên gọi trên, theo cách hiểu của người Nghệ, chỉ con chim công mà thổ âm bản ngữ gọi là Cuông.
Tôi đã dành hết những năm tháng từ khi mới vào nghề, để lang thang khắp các xó rừng miền Tây xứ Nghệ, ngược sông Giăng vào bản Đan Lai, men theo dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ đến tím trời Mai Sơn, chót vót Huồi Tụ, leo đến tận cùng Nậm Tột. Mỗi khe suối, mỗi đỉnh rừng để lại một nỗi nhớ, nhưng không đâu da diết bằng, không đâu nhiều ký ức bằng Con Cuông. Bóng dáng người Đan Lai nơi thượng nguồn khe Khẳng, sông Giăng; những bờ bãi hun hút dài vô tận trong lãng đãng mây chiều miền sơn cước để lại những mênh mang khó cắt nghĩa; rồi những đêm bếp lửa bập bùng, nghe già làng kể chuyện bản mường với bao huyền tích. Tôi như cơn gió hoang phiêu linh giữa chốn đại ngàn, cho đến khi chạm vào Chôm Lôm nhức buốt.
Mùa mưa năm 2006 xảy ra vụ đắm đò thảm khốc ở Lạng Khê, 19 em học sinh tử nạn. Tôi và anh Minh Thư, phóng viên báo Nhân Dân, là các nhà báo đầu tiên có mặt ở Con Cuông. Bến Chôm Lôm, từ bao đời nay, là “yết hầu” giao thông của người dân sở tại. Dân các bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa bên kia sông Lam muốn qua bờ Nam đều phải lụy đò. Mùa nắng cũng như mùa lũ lụt, con đò cũ nát là phương tiện duy nhất chở khách sang sông và trên bến Chôm Lôm hầu như năm nào cũng có người tử vong vì đuối nước.
“Năm ít nhất, một hai người chết, có năm khúc sông này ra đi mấy người. Dân bản mong có một cây cầu nhưng huyện nghèo, xã nghèo, lấy đâu ra tiền xây cầu”, một cán bộ Lạng Khê trần tình. Nếu không sớm xây cầu treo bắc qua sông, có thể vụ đắm đò thảm khốc khiến hàng loạt học sinh ra đi oan uổng chưa phải là tai nạn cuối cùng.
Sẽ còn có nhiều người đuối nước nếu không có cầu qua sông. Tôi đề xuất với Ban Biên tập báo Tiền Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lúc đó - anh Phan Đình Trạc, đề nghị phát động quyên góp tiền xây cầu và được lãnh đạo địa phương, báo Tiền Phong đồng tình, ủng hộ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đông đảo bạn đọc, các cá nhân, doanh nghiệp đã góp được hàng tỷ đồng. Năm 2007, cầu treo Chôm Lôm trị giá hơn 5,9 tỷ đồng khánh thành và kể từ đó tới nay, cảnh đuối nước tại bến Chôm Lôm chấm dứt. Các em học sinh cấp 2 Lạng Khê yên tâm tới trường, sinh hoạt của người dân 3 bản bên kia sông thuận tiện hơn, đời sống ấm no hơn.
Tại huyện Con Cuông, sau Chôm Lôm, ngày 30/7/2022 báo Tiền Phong phối hợp với Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn Nghệ An và Huyện ủy, UBND huyện khởi công cầu dân sinh vượt lũ tại bản Tổng Chai (xã Chi Khê). Thêm một nhịp cầu, thêm nhiều niềm vui cho người dân miền núi, bớt đi những rủi ro, những tai nạn đau lòng. Ở miền rẻo cao bộn bề khó khăn, hình ảnh chiếc cầu vồng bảy sắc lung linh không còn ẩn hiện, thấp thoáng trong mơ… mà nó đã là hiện thực.
“Sẽ tiếp tục xây cầu vượt lũ!”
Mái trường cho học sinh, con đường vào bản, cây cầu vượt lũ…là những công trình cấp thiết đối với người dân vùng sâu vùng xa. Sau công trình cầu treo Chôm Lôm, UBND tỉnh Nghệ An đã đôn đốc ngành GTVT địa phương cùng các huyện khẩn trương rà soát, lên danh sách các vị trí cần xây cầu ở khu vực thượng nguồn sông Lam và từ đó, thêm nhiều cầu treo được khởi dựng. Những nhịp cầu, tuy chưa thể “phủ sóng” khắp các bản làng rẻo cao, nhưng ở đâu có cầu bắc qua suối qua sông thì đời sống người dân ở đó khởi sắc, bản làng thay da đổi thịt.
Hiệu ứng Chôm Lôm lan tỏa, trở thành “vệt công trình” của những chiếc cầu treo khắp các huyện miền núi xứ Nghệ. Năm 2021, Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT Nghệ An và báo Tiền Phong cùng hợp lực xây cầu treo ở bản Lưu Thắng (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn). Năm 2022, tôi đề xuất với GS. TS Thái Văn Thành - GĐ Sở GD&ĐT và anh Lê Văn Lương - Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An hỗ trợ vận động, quyên góp tiền xây cầu dân sinh vượt lũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, ban tổ chức đã quyên góp được 2,9 tỷ đồng. Ngày 30, 31/7/2022, cầu treo bản Tổng Chai (xã Chi Khê, huyện Con Cuông); cầu khe Lòa (xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ) và cầu vượt lũ bản Khủn Na (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) đồng loạt khởi công. Các công trình này đã được khánh thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2022, 2023. Riêng ở Tiên Kỳ, do khoảng cách hai bờ khá lớn, kinh phí xây cầu lên tới 4,9 tỷ đồng. Chia sẻ khó khăn này, UBND tỉnh Nghệ An trích ngân sách hỗ trợ 1 tỷ đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý hoan nghênh ý tưởng xây dựng cầu dân sinh của Sở GD& ĐT, Tỉnh đoàn Nghệ An và báo Tiền Phong phát động. “Tôi hoan nghênh, ủng hộ chương trình vận động xây cầu vượt lũ, vì đây là việc làm nhân ái, thiết thực nhằm giúp đỡ người dân miền núi còn nhiều khó khăn”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho hay.
“Của một đồng, công một nén”, những cây cầu ở miền rẻo cao sẽ mãi chỉ là mơ ước, nếu không có sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, các thầy cô giáo, của các bạn ĐVTN và bạn đọc báo Tiền Phong. Thủ lĩnh thanh niên Nghệ An, anh Lê Văn Lương, Bí thư Tỉnh đoàn “tả xung hữu đột”, vận động ĐVTN ủng hộ để mang đến cho bà con Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn) nhịp cầu ở bản Lưu Thắng; anh Thái Văn Thành, GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An ngay sau buổi họp bàn phương án xây cầu với báo Tiền Phong và Tỉnh đoàn Nghệ An, đã rốt ráo phát văn bản kêu gọi các giáo viên ngành giáo dục quyên góp, ủng hộ xây 3 chiếc cầu nghĩa tình ở Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong. “Năm nay, 2024, sở sẽ tiếp tục đồng hành với báo Tiền Phong quyên góp xây thêm cầu dân sinh vượt lũ hỗ trợ bà con miền núi!”, GS. TS Thái Văn Thành cho hay.
Từ Chôm Lôm tới Chi Khê, Phú Phương… hai ngả đường dẫn tới miền rẻo cao với 5 chiếc cầu dân sinh, cầu tràn vượt lũ trong hành trình “nối nhịp những bờ vui”. Với tổng số tiền huy động được lên tới gần 14 tỷ đồng, đấy là một số tiền “khủng”, nhưng lớn hơn hết, là tấm lòng, sự san sẻ, gắn kết tình thương của người dân khắp mọi miền dành cho đồng bào miền núi xứ Nghệ. Có đi mới hiểu, vào việc mới thấu, nhưng chúng tôi chẳng quản ngại vất vả, cam go, khi mỗi lần nhìn thấy sự hân hoan, giọt nước mắt mừng vui trên gương mặt dân bản và tiếng cồng chiêng rộn rã trong những lễ khánh thành…