Về biển nghe chuyện cá Ông “lụy bờ”

TP - Giữa biển đêm mịt mùng lạnh giá hay giông tố bão bùng, ngư dân gặp nạn vẫn luôn le lói niềm hy vọng, niềm tin về sự cứu giúp của loài cá Ông (cá voi, hố rồng). 
Ngư dân Bùi Văn Dũng kể chuyện lần gặp cá hố rồng 2 năm trước

Nhiều ngư dân gắn bó gần trọn vẹn cuộc đời với biển khơi ở các làng biển suốt dọc dài bãi ngang từ chót Hải Khê của xứ Hải Lăng đến đầu Vĩnh Thái của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn lưu truyền bao câu chuyện kỳ bí mê hoặc như thực như mơ về sự cứu giúp của cá Ông… Rồi những lần cá Ông “lụy bờ” được ngư dân chôn cất bằng lễ nghi tôn kính nhất. 

Làng biển Hà Tây, nơi nhiều lần cá Ông “lụy bờ”

Dọc theo bờ biển làng Hà Tây xã Triệu An của huyện Triệu Phong đến giờ vẫn còn lăng mồ của cá Ông nằm uy nghiêm trên những trảng cát. Nhiều địa danh vẫn còn gắn với những lần “lụy bờ” (dạt vào bờ) của cá Ông và được ngư dân thôn Hà Tây chôn cất, lập am thờ tự, hương khói như “am Ông”, “am Bà”, “am Cố”, am Mệ”… Sức sống mạnh mẽ của đất và người miền biển muôn đời vẫn vậy, luôn đan xen, hòa quyện hài hòa giữa trời với biển và không thể thiếu tín ngưỡng tâm linh về loài cá Ông huyền thoại. Tục thờ cúng cá Ông cũng là truyền thống tín ngưỡng tâm linh có từ lâu đời của ngư dân làng Hà Tây. Với quan niệm, khi gặp cá Ông chết và dạt vào bờ, ngư dân nơi đây xem đó là điềm lành, là phúc đến, bởi mảnh đất này được cá Ông chọn làm nơi yên nghỉ và được cá Ông tin tưởng phó thác việc an táng. Mới đây ngư dân Hà Tây lại làm lễ an táng cá Ông, đó là một con cá voi dài ngót 15 m, đường kính giữa thân gần 2 m và ước nặng hơn 10 tấn. Cá Ông có phần bụng màu trắng, thân có màu trắng xám và có những đường sọc sẫm nhạt chạy dọc thân… Trong lễ an táng cá Ông bữa đó, long trọng lắm, có đại diện lãnh đạo xã Triệu An, lãnh đạo huyện Triệu Phong, chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa Việt, vô tình tôi gặp được ngư dân 47 tuổi Bùi Văn Dũng, là một trong những ngư dân đầu tiên của thôn Hà Tây phát hiện cá Ông dạt vào bờ. Anh Dũng cũng là người có… “duyên” với cá Ông khi có đến 3 lần gặp cá Ông “lụy bờ” chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây.

Ngư dân Dũng bảo, ngày xưa, thuyền nhỏ nên với ngư dân Hà Tây ra khơi gặp lốc tố mịt mù, hiểm nguy là điều khó tránh khỏi. Nhưng với niềm tin vào sự giúp đỡ của cá Ông nên ngư dân yên tâm dong thuyền ra khơi vào lộng. Cá Ông được ngư dân xem là vị thần bảo trợ tinh thần cho các ngư dân không chỉ thôn Hà Tây (xã Triệu An) mà của tất cả làng biển bãi ngang. Nhiều câu chuyện cá Ông cứu người được ngư dân lưu giữ, truyền tai nhau mang màu sắc ly kỳ, huyền bí. Ví như, giữa lúc giông tố mù trời, chính loài cá Ông thường xuất hiện để đưa ngư dân cũng như thuyền bè vào bờ an toàn. Đáp lại ân tình của loài cá Ông, ngư dân miền biển ngày xưa khi gặp cá Ông dính vào lưới thì họ sẽ nhẹ nhàng dìu cá Ông vào bờ. Khi vào đến bờ, thanh niên trai tráng trong làng được huy động đến bờ biển để đưa cá Ông lên bờ. Cũng trong ngày hôm ấy, các bô lão cao niên của làng bắt đầu công việc tìm mảnh đất cao ráo, gần biển để lập đàn cúng tế xin với thần linh, thổ địa được an táng cá Ông. Nơi an táng cá Ông phải có địa hình thoáng đãng, hướng nhìn ra biển. Nghi thức an táng cá Ông tiến hành như đối với nghi lễ của bậc trưởng lão uy tín trong làng khi qua đời. Nghi lễ thường diễn ra linh đình trong 3 ngày. Ngày đầu tiên làng sẽ lập tang chủ, hội đồng hộ lễ, tắm gội rồi bọc xác cá Ông bằng vải điều đỏ sau đó nhập quan, thiết linh sàng, cúng cơm… Ngày thứ hai sẽ là lễ tế và đến ngày thứ ba thì đưa đám, di quan cúng hậu thổ nghi tiết, hò bá trạo đưa linh…, sau đó là hạ huyệt. Ba ngày sau dân làng sẽ tiếp tục làm lễ mở cửa mả…Ba năm sau thì làm lễ cải táng, lấy xương xếp vào quách để đưa vào nghĩa địa cá Ông của làng. Trong những ngày diễn ra lễ tang cá Ông, các làng chài bạn mang lễ vật đến phúng điếu cũng như góp tiền lo tang ma cho cá Ông. Hằng năm, vào độ Tết Nguyên đán, làng làm lễ tạ linh đình để cầu mưa thuận, gió hòa, biển được mùa tôm, cá…Tín ngưỡng thờ phụng cá Ông của ngư dân xưa thể hiện tình cảm của họ đối với biển cả đã hào phóng cho họ cá, tôm. Qua đó, còn thể hiện sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân các vạn chài nơi đầu sóng, ngọn gió… 

“Còn chuyện bày tui gặp cá Ông cũng là điều may mắn trong đời làm ngư dân. Năm 2014, trong lần ra biển đánh bắt thủy hải sản. Đang kéo lưới thì thấy lưới nặng lạ thường. Cố hết sức bình sinh kéo lưới lên mới biết là gặp cá Ông. Theo phong tục của ngư dân vùng biển, tui liền nhẹ nhàng đẩy cá Ông ra khỏi lưới. Nhưng rồi cá Ông lại tiếp tục dựa thân mình vào lưới. Tôi biết là “ngài” (cá Ông) muốn được đưa vào bờ để yên nghỉ. Vậy là tui cùng anh em trên thuyền dìu “ngài” vào bờ… An táng xong cá Ông theo phong tục của địa phương. Mấy hôm liền tui ra biển đánh bắt trúng đậm nhiều mẻ cá lớn. Hai năm trước, tôi lại tiếp tục gặp “ngài”. Lần này là con cá hố rồng có chiều dài hơn 4m; đường kính thân hơn 30 cm; dọc sống lưng có vi màu đỏ, thân màu bạc trắng có nhiều đốm xanh, có râu dài… Cá hố rồng là loại cá hiếm và được xem là một trong những loài cá linh thiêng được ngư dân thôn Hà Tây tôn thờ, không bao giờ đánh bắt… Và lần gặp cá Ông ni là lần thứ 3. Bây giờ, nghi lễ an táng cá Ông không còn nhiều thủ tục như xưa. Khi cá Ông dạt vào bờ, ngư dân sẽ vớt lên rồi chôn cất, hương khói đơn giản, bình thường…”, ngư dân Dũng nhớ lại.

Ngư dân miền biển đến bây giờ vẫn lưu truyền bao câu chuyện tâm linh, truyền thuyết về loài cá Ông cứu người. Dẫu loài cá Ông không thể che chở hết cho ngư dân trước cuồng phong, bão tố của biển khơi. Bởi có biết bao nhiêu cuộc ra đi không thể trở về của bao kiếp ngư dân. Xót xa nhưng vẫn chấp nhận quy luật vay trả của đất trời để tiếp tục bám biển mưu sinh. Riêng loài cá Ông vẫn muôn đời là vị thần hộ mệnh của ngư dân giữa đại dương.