Về Bằng Hành xem ngựa đấu

TP - Lễ hội đấu ngựa lần đầu tiên được khôi phục tại xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Xem mới biết, những đòn tát, đá, cắn, cào để giành chiến thắng của hai chú ngựa cũng hấp dẫn, kịch tính chả kém gì một trận đấu quyền Anh.
Hùng dũng ra sới đấu. Ảnh : L.A

Ngày 8/9 Tết Giáp Ngọ này, lễ hội đấu ngựa lần thứ 2 sẽ tiếp tục tại xã Bằng Hành trong sự trông chờ, háo hức của người dân địa phương.

Cuộc chiến tranh giành bạn tình

Ngày 17 và 18/8/2013 (tức ngày 11- 12/7 âm lịch), giải đấu ngựa lần đầu tiên được tổ chức trong khu du lịch sinh thái Thủy Lâm Viên với sự tham dự của 1.000 người dân trong vùng. Đối với nhiều người trẻ, đây là lần đầu tiên họ được biết. Còn các cụ bô lão thì mừng rỡ hân hoan bởi cuối cùng một tập tục tốt đẹp của người dân nơi đây được khôi phục sau hơn 20 năm vắng bóng.

Ông Mai Trọng Khang cho ngựa ăn

Đấu ngựa chính là trò chơi lúc nông nhàn của người dân vùng này thuở xa xưa, vào hai dịp: Tết Nguyên đán và rằm tháng 7. Trước khi giao đấu, hai chú tuấn mã được đưa ra “ngửi hít” làm quen với một nàng ngựa xinh đẹp. Sau khi nàng được dắt đi, hai chàng dùng các “võ công” đá, cào, cắn để giành được trái tim nàng. Chú ngựa nào bị đuổi ra ngoài là thua cuộc. Vì thế, thực chất của cuộc đấu ngựa chính là cuộc chiến tranh giành bạn tình.

Những tiếng gầm gừ, rú rít, những động tác tát, đá của hai chàng ngựa đã làm người xem thích thú. Thế nên, trong những ngày thi đấu, khán giả kéo đến chật khoảng sân đất rộng được quây thành đấu trường. Khách Tây đi “phượt” qua cũng ghé vào xem đầy thán phục và kinh ngạc.

Trại ngựa thôn Linh

Thôn Linh là trung tâm của giải đấu ngựa trong vùng. Ngựa Thôn Linh vốn khét tiếng đấu hay, đấu giỏi. Giờ đây, rất tiếc, những giống ngựa hay, ngựa tốt không còn. Nơi đây chẳng còn mấy nhà nuôi ngựa. Vì vậy, khi giải đấu ngựa lần đầu tiên tái lập, Ban tổ chức đã phải mời gọi các vùng lân cận tham dự như Bắc Hà (Lào Cai), Lục Yên (Yên Bái), Hàm Yên (Tuyên Quang), Đồng Văn (Hà Giang), Cao Bằng… Chỉ trong thời gian ngắn, đã có tới 30 chú tuấn mã từ các vùng được tuyển lựa về đây.

Sau khi nàng ngựa được dắt đi, hai chàng "tuấn mã" dùng các “võ công” đá, cào, cắn để giành được trái tim nàng.

Tiếng vang của giải đấu ngựa này lan rộng khiến người dân trong vùng phấn khích, nhiều người rục rịch mua và nuôi ngựa để tham đấu. Trại ngựa thôn Linh đang được khôi phục với hy vọng sẽ tạo ra những chú ngựa đoạt ngôi cao vào những năm tới.

Trại ngựa thôn Linh, xã Bằng Hành nằm trong Khu du lịch sinh thái Thủy Lâm Viên (Cty TNHH Hướng Dương). Để lên được trại ngựa, chúng tôi phải leo qua hai quả đồi. Xe ô tô không thể leo lên đoạn đường vừa dốc, vừa trơn lầy. Phương tiện di chuyển trong Khu du lịch sinh thái này là… xe máy hoặc “xe căng hải”. Đón tiếp chúng tôi là ông Mai Trọng Khang, Phó giám đốc Khu du lịch Thủy Lâm Viên, quần đùi áo may ô, người nhễ nhại mồ hôi, đang dắt ngựa về chuồng.

Trên quả đồi thứ hai là đại bản doanh của 5 chú tuấn mã. Chúng đang lần lượt được dắt từ trên đồi về chuồng khi nắng chiều dần buông. Chú ngựa ô trong đàn ngựa này vừa ẵm giải nhì tại lễ hội đấu ngựa. Dù bận nhiều việc, nhưng khi nào rảnh, ông Khang vẫn muốn đích thân chăm sóc đàn ngựa, dắt ngựa đi dạo, tắm cho ngựa, bổ sung những dưỡng chất cho ngựa ăn để nó… máu chiến.

Đàn ngựa mà ông Khang đang huấn luyện tại thôn Linh đều “nhập” từ Bắc Hà, Hoàng Su Phì… Giá ngựa đấu đắt hơn ngựa bình thường. Nếu ngựa thường 13 triệu đồng/ con, thì ngựa đấu phải tầm 23 triệu đồng/ con. Ngựa đấu không hề dễ chọn vì các vùng nhiều ngựa như Bắc Hà, Quản Bạ chủ yếu nuôi ngựa đua.

Ông Khang tiết lộ bí quyết chọn ngựa đấu: “Phải chọn con có khoáy Thiên Không (xoáy ở hai bên gáy), cổ to, mõm nhọn, chân thẳng, móng khum, răng đều, có nanh. Con ngựa nào nhanh nhẹn, mắt sáng là hay, chớ có chọn con mắt lừ đừ. Con nào khôn là con biết cắn vào chỗ hiểm của đối phương như: chân, đuôi, cổ”.

Ngoài những ưu điểm nổi trội, những chú ngựa này muốn đấu giỏi phải được tập luyện, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ đặc biệt. Trừ trời lạnh, bình thường ngày nào cũng phải tắm cho nó một lần.

Ngựa muốn đấu giỏi phải được tập luyện, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ đặc biệt. Trừ trời lạnh, bình thường ngày nào cũng phải tắm cho nó một lần. Hàng ngày, ngựa phải được lên đồi cao ăn cỏ, hít thở không khí trong lành. Mỗi con ngựa được xích riêng một nơi để tránh cắn nhau. Thỉnh thoảng, chúng được đấu với nhau để luyện. Những chú ngựa đực sau khi được đi dạo, tắm táp, ăn no thì được dắt vào chuồng… đứng. Những chuồng ngựa sát nhau và rất nhỏ, chỉ đủ cho ngựa đứng. Ông Khang cho biết, không được để nó nằm vì như thế sẽ hỏng giống. Trại ngựa này cũng có nuôi mấy nàng ngựa cái để làm chất xúc tác cho các chàng ngựa đấu hăng, chúng được nuôi riêng ở quả đồi bên kia.

Muốn cho ngựa máu chiến, ông Khang còn cho chúng ăn thêm chất tinh bột gồm bột ngô, bột sắn, bột gạo quấy lên với trứng gà. Ngoài ra, muốn ngựa máu hơn, ông Khang còn cho chúng ăn lá mán, một loại lá rừng phổ biến ở vùng này. Ông Khang cho biết: “Đó là bí quyết của người dân tộc đó. Ngựa càng dữ, càng đấu giỏi”.

Ông Khang kể, ngựa đua được chăm sóc như con người. Cũng phải vuốt ve, chiều chuộng và nịnh nọt nó. Riêng ngựa đấu thì không được đóng móng như ngựa thồ. Ông Khang nói: “Móng của nó như móng tay, móng chân của mình. Tôi toàn phải lấy dao tỉa tròn móng cho chúng”.

Đi học, đi họp, đi đám… bằng ngựa

Ông Hoàng Văn Tiêu, Chủ tịch UBND xã Bằng Hành, Trưởng ban tổ chức lễ hội đấu ngựa hồ hởi khi nói về giải đấu có một không hai ở Việt Nam này: “Chúng tôi phấn đấu duy trì lễ hội này và mong muốn đưa nó trở thành lễ hội chung của huyện nhằm gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của vùng quê này cho mai sau”.

Ông Tiêu cũng cho biết: “Ngày xưa, cứ vào dịp Tết, thôn Linh lại tổ chức đấu ngựa. Có tích kể rằng, ngày xưa, cứ vào dịp Tết đến, người dân phải cúng nộp cho vua quan những chú ngựa khỏe. Và để biết con ngựa nào khỏe nhất thì chỉ có cách đưa chúng ra đấu. Con nào khỏe nhất thì sẽ cúng nạp cho vua”.

Cũng như ông Mai Trọng Khang, ông Tiêu cũng là người thôn Linh, cũng từng gắn bó với những chú ngựa từ thuở ấu thơ, từng được đi học bằng ngựa. Bởi lẽ, phương tiện giao thông trong vùng thời đó chỉ có ngựa. Nhà nào kha khá mới có ngựa, còn lại phải đi bộ hết. Vì thế, đi họp hành, đi đám… tuốt tuột đều bằng ngựa. Ông kể, ngày xưa, bố ông uống rượu say thì được mọi người đưa lên lưng ngựa để nó đưa về tận nhà.

Ông Tiêu cũng nhớ lại, ngày xưa đấu ngựa giải thưởng cũng nhỏ thôi, chỉ vài đồng, vui là chính. Hồi những năm 70, lúc chừng 10 tuổi, ông Tiêu rất hay được theo các cụ đi xem đấu ngựa ở gần trụ sở Ủy ban hiện nay. Ông nói: “Cách đây chừng 20 năm, khắp vùng này, chỗ nào cũng có ngựa thả, ít nhất nhà nào cũng có một con ngựa. Giờ đây, ít nhà còn nuôi ngựa”.