Lập bến dù, thả khách giữa đường
Ghi nhận của phóng viên, dọc đường Giải Phóng, Kim Đồng, Thanh Trì, Ngọc Hồi…, quanh bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, hàng trăm xe khách nối đuôi nhau vào trung tâm thành phố đón trả khách khiến giao thông trên các tuyến đường này luôn trong tình trạng kẹt cứng. Trong khi hàng chục cán bộ CSGT phân luồng, hướng dẫn phương tiện dọc đường từ đầu cao tốc Pháp Vân vào các bến xe nhưng hàng loạt tài xế chở quá số khách quy định né tránh lực lượng chức năng, dừng xe giữa đường trả khách thay vì vào bến.
Điển hình, điểm đen tại nút giao Giải Phóng – Trương Định và khu vực trước cửa số nhà 1003 Giải Phóng. Tại đây, hàng chục xe khách như: Thành Đô chạy tuyến Xuân Trường Giáp Bát BKS: 18B-002.99, 18B:014.30; Tôn Thắng chạy tuyến Thái Bình – Giáp Bát, BKS: 17B-011.00; Phiệt Học chạy tuyến Thái Bình, BKS: 17L-1098; Xe khách Thanh Hóa – Giáp Bát, BKS: 36B-002.02; Xe khách Văn Minh… dừng xe giữa đường trả khách và hàng hóa trong thời gian dài.
Trong khi hàng trăm hành khách xuống xe lấy hành lý thì đội ngũ xe ôm, taxi vây kín đón khách khiến tuyến đường này luôn trong tình trạng kẹt cứng, giao thông hỗn loạn. Ghi nhận của phóng viên nhiều giờ tại các điểm đen “bến dù” này không có lực lượng CSGT, TTGT kiểm tra, xử lý vi phạm.
Vừa xuống xe khách Tôn Thắng, Bà Sâm (54 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) kiệt sức, ngồi thụp dưới gốc cây trước cửa nhà 1003 đường Giải Phóng. Gương mặt người phụ nữ quê huyện Diêm Điền, tỉnh Thái Bình tái nhợt vì quá mệt mỏi, ngột ngạt. Bà cho biết cùng 6 người thân trong gia đình trở lại thủ đô sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Dù được biết cơ quan chức năng cảnh báo và tăng cường lực lượng xử lý vi phạm tuy nhiên xe bà di chuyển vẫn nhồi nhét thêm hàng chục khách, phụ lái hét giá vé.
“Tôi đặt trước 7 vé ghế ngồi nhưng khi lên xe chỉ có 2 ghế, còn 5 người còn lại phải ngồi ghép, ngồi chồng lên nhau, ngồi chung ghế. Trên xe chật cứng, không thể nhúc nhích. Dù xe quá đông nhưng phụ lái vẫn thu 100.000 đồng, tăng 30.000 đồng so với ngày thường và không trả vé theo quy định. Khi tới Hà Nội, họ thả khách ở đường Giải Phóng giữa trời nắng khiến mọi người bức xúc, mệt mỏi”, bà Sâm nói.
Đứng kế bên, nam sinh tên Xuân (21 tuổi, quê tỉnh Nam Định) cũng tỏ ra mệt mỏi sau chuyến đường từ quê lên Hà Nội trên xe khách Thành Đô. Nam sinh này cũng cho biết, bình thường giá vé dao động từ 60-80.000 đồng nhưng ngày nghỉ lễ nào cũng bị thu 100.000 đồng và bị nhồi nhét, không có chỗ đứng.
Không xử lý xe khách vi phạm?
Còn chị Minh Thúy (25 tuổi, quê TP Hải Phòng) cho biết, chị lên xe khách Ô Hô, BKS 16N-2958 di chuyển tuyến Kiến An – Yên Nghĩa dù không bị tăng giá vé nhưng tài xế và phụ lái lòng bắt khách, nhồi nhét thêm hàng chục khách
Trao đổi với Tiền Phong chiều cùng ngày, trung tá Đỗ Trọng Tuân, Phó Đội trưởng CSGT số 14 – Công an Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Nội, 4 ngày nghỉ lễ đơn vị luôn tăng cường, huy động 100% cán bộ chiến sỹ ứng trực phân luồng, hướng dẫn phương tiện đảm bảo an toàn giao thông.
Kết thúc kỳ nghỉ lễ kéo dài, đơn vị phối hợp với các tổ tuần tra Cục CSGT, TTGT, CSTT lên kế hoạch, phương án hướng dẫn phân luồng, chống ùn tắc cục bộ khi xảy ra sự cố trên từ cao tốc Pháp Vân vào trung tâm thành phố. Trong 4 tháng đầu năm, đơn vị xử lý hơn 1.300 xe khách vi phạm các lỗi: dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, chở quá số người quy định, mở cửa khi xe đang chạy, tăng giá vé…
Tuy nhiên, về phản ánh của Tiền Phong, hàng loạt xe khách vẫn tái diễn cảnh nhồi nhét, tăng giá vé, đặc biệt dừng đón trả khách giữa đường quanh bến xe, trung tá Đỗ Trọng Tuân cho rằng, trong 4 ngày nghỉ lễ đơn vị chỉ tập trung phân luồng, hướng dẫn phương tiện do đó nhiều xe khách vẫn tái phạm.
Cũng trong chiều cùng ngày, theo ghi nhận của phóng viên, lực lượng CSGT lập các chốt xử lý xe khách vi phạm trên đường Kim Đồng (Hoàng Mai, Hà Nội), khu vực xe khách rời bến xe Giáp Bát đi các tỉnh phía Nam thủ đô: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…, xe khách vắng người.
Tuy nhiên, ở nút giao Giải Phóng – Trương Định, cách bến Giáp Bát 300m, hàng chục tài xế ngang nhiên dừng xe trả khách và hành lý giữa đường nhưng không có lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm khiến tuyến đường luôn trong tình trạng kẹt cứng, giao thông hỗn loạn.
79 người tử vong trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4
Cục CSGT Bộ Công an cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ (28/4 - 01/5), cả nước xảy ra 113 vụ tai nạn khiến 79 người tử vong, 79 người bị thương, trong đó tai nạn đường bộ chiếm 99% các vụ tai nạn. So với cùng kỳ năm 2017, tình hình tai nạn giao thong giảm cả 3 tiêu chí.
Lực lượng CSGT đường bộ triển khai 5.641 lượt tuần tra kiểm soát với hơn 10.973 lượt cán bộ chiến sĩ. Theo đó, cảnh sát phát hiện, xử lý hơn 25.900 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; Phạt tiền hơn 13,9 tỷ đồng đồng; Tạm giữ 4.531 phương tiện và 3.975 giấy tờ các loại; Tước 872 giấy phép lái xe.
Cũng trong 4 ngày nghỉ lễ, nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện tăng rất cao, tăng nguy cơ ùn tắc giao thông. Đặc biệt trong ngày đầu đợt nghỉ lễ tại một số tuyến quốc lộ, tuyến đường vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM đã xảy ra ùn tắc giao thông khá nghiêm trọng.
Điển hình vào chiều ngày 27/4, sáng ngày 28/4, mật độ phương tiện giao thông từ Hà Nội, TP HCM đi các địa phương tăng cao gây ùn ứ cục bộ một số tuyến đường như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Giải Phóng, đường vành đai 3 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đi về Linh Đàm, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Quốc lộ 1A hướng TP HCM đi các tỉnh miền Tây.
Trong đó, chiều tối 27/4, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại Km186, xảy ra tai nạn giữa 5 xe ô tô khiến tuyến đường ùn tắc kéo dài 5 km. Tối cùng ngày xảy ra tai nạn ô tô liên hoàn giữa 4 xe ô tô khiến tuyến đường Vành đai 3 trên cao ùn tắc kéo dài.