Trong lòng hồ thủy điện Thác Bà ở Yên Bái có một
trung tâm cai nghiện đặc biệt tồn tại hơn hai thập kỷ nay. Điều đặc biệt là cơ sở này không tường rào, không dây thép gai. Cơ sở cai
nghiện ma túy được chia thành 3 khu: Khu Hành chính nằm trên đất liền, Khu A và Khu B nằm ngoài đảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phân loại học viên cai nghiện theo 5 giai đoạn điều trị.
Trung tâm cai nghiện trên đảo
hồ Thác Bà được thành lập năm 1992, nay có tên là Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái. Gần 800 học viên đang nỗ lực từ bỏ ma túy, mong muốn tìm lại cuộc sống của chính mình.
Ngay từ sáng sớm, các học viên tại cơ sở bắt đầu ngày mới từ khoảng 5h sáng để thức dậy tập thể dục, ăn sáng, trước khi phân thành các nhóm đi lao động.
Tại cơ sở cai nghiện này, ngoài lao động trồng rau, nuôi lợn, bò, thả cá. Các học viên được đào tạo các nghề như mộc, linh kiện điện tử, may mặc... Trong đó, hoàn thành việc
cai nghiện tại cơ sở, các học viên khi tái hòa nhập cộng đồng sẽ được Công ty trao chứng chỉ hoàn thành khóa học, được nhận vào làm việc tại đơn vị nếu có nhu cầu. Trao đổi với
Tiền Phong, học viên T.T.L (SN 1984, ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải) cho biết, không chỉ được đào tạo nghề, những người không biết viết, biết chữ khi vào đây được các cán bộ mở lớp
xóa mù chữ.
Học viên N.T.V (SN 1970, ở phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái) tâm sự, ở trong trại, các cán bộ động viên, hỗ trợ tạo điều kiện rất tốt cho việc cai nghiện. Các học viên ở trong cơ sở được tự do hoạt động, không phải chịu cảnh nhốt trong phòng, không gian hoạt động rộng rãi, giúp tư tưởng thoải mái, yên tâm cai nghiện, không còn tâm trạng lo sợ, tự ti như lúc mới vào. Theo thống kê của Cơ sở cai nghiện ma túy, hiện đơn vị đang tiếp nhận và cai nghiện cho 793 học viên. Trong đó, có 193 học viên mới vào từ tháng 1/2024. Cơ sở cai nghiện cũng đang điều trị đối với 15 học viên là nữ. Con số này vượt sức chứa của cơ sở là 793/600.
Do học viên đông, phòng ở cho học viên còn thiếu thốn, chật chội nên việc sinh hoạt của học viên gặp nhiều khó khăn. Lực lượng cán bộ mỏng, người cai nghiện hiện đang quản lý đông nên cán bộ thường xuyên phải trực tăng cường để đảm bảo công tác quản lý, giáo dục người nghiện và giữ vững an ninh trật tự đơn vị. Ông Lê Công Huấn -
Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái cho biết, quan điểm của cơ sở là tạo môi trường thân thiện, ấm áp cho người cai nghiện giúp họ không còn mặc cảm, tự ti, an tâm cai nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng là người có ích cho xã hội.
Đến hết năm 2023, nhiều người nghiện khi tái hòa nhập cộng đồng được cấp chứng chỉ nghề và đi làm việc tại các công ty do Cơ sở phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, mức lương duy trì từ 6,5 triệu đồng/tháng, đến nay vẫn nhận phản ánh tốt từ phía doanh nghiệp về thái độ làm việc và đạo đức nghề nghiệp của các trường hợp này.
Văn Đức