Vào mùa tranh cướp lộc

TP - Mùa lễ hội 2017 diễn ra tròn tuần lễ kịp cho thấy những bất cập muôn năm cũ, đáng kể nhất là thói quen tranh cướp lộc không chỉ ở lễ hội lớn như Hội Gióng đền Sóc.
Cướp hoa tre, trầu cau ở Hội Gióng đền Sóc vẫn rất hăng nhưng may không xảy ra thương tích như vài năm trước. Ảnh: Nguyên Khánh.

Đền Sóc “cướp” theo kịch bản

Hội Gióng đền Sóc kéo dài ba ngày từ mùng 6 đến 8 tháng Giêng, nóng nhất là khai hội sáng mùng 6. Không khí linh thiêng, trang trọng ngắn chẳng tày gang. Chỉ sau khi dứt lệnh đưa lễ vật hoa tre của dân làng thôn Vệ Linh về đền Hạ phục lễ, dân tình bên ngoài bắt đầu nhốn nháo. Kiệu rước hoa tre có đoàn thanh niên trai tráng trong làng bảo vệ nghiêm ngặt, trước và sau đều có người múa côn tre để người đứng xem liệu đường tránh xa. Đến lực lượng công an đi sau kiệu cũng dè chừng, luôn miệng nhắc cánh phóng viên lui lại kẻo không phải đầu cũng phải tai.

Trong tám lễ vật dâng lên Đức Thánh Gióng tại đền Thượng, giò hoa tre thôn Vệ Linh và lễ vật trầu cau thôn Đan Tảo luôn có sức lôi kéo đặc biệt. Tại khu đền Thượng, các cụ còn đang làm lễ, ở đền Hạ và đền Mẫu người người chực chờ tới giờ cướp lộc. Các năm trước, kiệu rước giò hoa tre và trầu cau khó lòng về đến đền Hạ, chỉ cần bước qua cổng đền Thượng đã tan tành.

Vài năm gần đây BTC khá quyết liệt tăng cường công an, thanh niên tình nguyện tạo hàng rào mềm nên tránh được thương tích đáng kể trong lúc người dân tranh cướp lộc. Hơn bốn trăm sắc phục và sắc áo tình nguyện, nếu không có họ e hội khó giữ trật tự.

Sau hiệu lệnh cướp lộc hoa tre, trong nháy mắt mâm lễ vật chỉ còn trơ lõi rơm bên trong. Dưới sân đền Hạ còn lại ít vụn hoa và vài chiếc que vương vãi, lúc này một số người già, phụ nữ chân yếu tay mềm mới lại gần “mót” lộc rơi lộc vãi. Hoa tre và vải vàng khó thoát khỏi tay đám thanh niên bẻ gãy sừng trâu.

Màn cướp lộc trầu cau ở đền Mẫu có vẻ hăng hơn cả. Đám thanh niên mặc áo vàng rước kiệu chốc chốc lại bị chủ lễ đẩy ra xa, bởi đám bảo vệ này chăm chăm lao vào cướp đầu tiên. Sau khi chủ lễ xé cau và trầu lễ ném ra xa cho người dân bắt lộc, hàng trăm người lao vào mâm lễ vật. Có bà cụ trong đoàn lễ bị đám đông xô đẩy tới mức bết bát, tóc tai rối tung. Tay cầm cành trầu trên tay bà luôn miệng giải thích “khổ quá tôi có định cướp gì đâu nhưng đám trẻ nó cứ xô đẩy”. Hơn phút sau đám đông quần tan nát mâm lộc trầu cau của xã Đan Tảo. Lư hương để giữa sân trước đó được thanh niên trai tráng khiêng đặt trước cửa đền, tránh bị hất đổ như năm ngoái.

Vẫn phản cảm

Tục cướp hoa tre, trầu cau ở Hội Gióng đền Sóc và cờ hiệu, manh chiếu tại Hội Gióng Phù Đổng thành lệ. Có lễ vật là có lộc nhưng cách hành xử để có được lộc thánh như thế không tránh khỏi phản cảm. Người dân đã đành, đám thanh niên bảo vệ các đoàn rước cũng nhăm nhe cướp trước dân.

Đại diện BTC lí luận rằng sau khi hạ lễ thì ai cũng có quyền cướp lộc, từ người cung tiến đến người bảo vệ. “Cướp lộc là tất yếu, truyền thống rồi, năm nay tốt hơn vì không có hiện tượng giữ lộc quyết liệt như mọi năm, không có thương vong khi tranh giành”, ông Nguyễn Nam Nho, Trưởng BQL khu Du lịch, di tích đền Sóc nói.

Tranh cướp lộc ở Hội Gióng đã đành vì có lệ, điều đáng nói là nhà sư ở chùa Thiên Trù, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cũng phát lộc cho dân gây nên tình trạng xúm đen xúm đỏ. Lộc chỉ là chiếc dây chuyền mặt tượng phật bán đầy rẫy ở quầy lưu niệm bất cứ lễ hội nào, nhưng được tán lộc từ tay sư thầy dễ khiến dân tình nhao nhao. Hỏi ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BQL khu di tích, ông cho hay không trực tiếp chứng kiến. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội trả lời Tiền Phong chứng kiến cảnh sư thầy đứng ở sân Thiên Trù phát lộc: “Đúng là có chuyện đó nhưng sư thầy phát lộc và mọi người đón lấy chứ không tranh cướp. Tâm lý chung của người đi lễ đầu năm đều muốn có chút lộc, tuy nhiên việc phát lộc này mới manh nha và cần tính lại. Sau đây Sở sẽ đề nghị BQL và BTC lễ hội xem lại để bố trí phát lộc phù hợp, tránh gây phản cảm”.

Cướp lộc là quay lại hành vi tín ngưỡng trung cổ

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trao đổi với Tiền Phong về hành vi cướp lộc trong mùa lễ hội.

Từ các nhà quản lý cho tới người dân đều coi chuyện cướp lộc trong lễ hội như lẽ thường, ông thấy sao?

Cướp lộc thể hiện niềm tin hoang dại trong tín ngưỡng nguyên thủy của con người. Trong công cuộc phục dựng các giá trị cổ truyền mấy chục năm qua cùng việc phục dựng nhiều lễ hội tràn lan khắp các vùng miền, chúng ta vô tình làm sống dậy rất nhiều giá trị tín ngưỡng nguyên thủy. Trong số đó có nhiều yếu tố đi ngược lại tôn chỉ của những hình thức tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên chúa giáo… cũng như quan niệm đạo đức của con người thời nay. Đáng buồn là trong thời đại văn minh, một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội quay trở lại với những hành vi tín ngưỡng thời trung cổ.

Dân cướp lộc đã đành, nay có nơi nhà chùa cũng đứng ra ném lộc cho dân dễ gây phản cảm và cũng có thể xem là biến tướng lễ hội?

Hình ảnh nhà sư đứng ném lộc ở cửa chùa không chấp nhận được. Đứng ở góc độ giáo lý nhà Phật đó cũng là hành vi dị đoan không hề có trong tôn chỉ của giáo lý. Giáo lý nhà Phật khuyên con người tu để loại bỏ tam độc “tham, sân, si” chứ không dạy, khuyến khích chúng sinh cướp bóc lấy lộc lá.