Văn nghệ sỹ Sài Thành đóng cửa nằm nhà

TP - Dịch cúm diễn ra từ Tết Nguyên đán đến nay đã khiến cho TPHCM đảo lộn nhịp sống văn nghệ, các tụ điểm và sân khấu lần lượt đóng cửa. Các nghệ sĩ “thất nghiệp” còn người hâm mộ đành phải tìm những sản phẩm phim ảnh ca nhạc trên internet.
Ca sĩ Tôn Thất Mạnh Tuấn (trái) mong dịch cúm mau đi qua để tiếp tục được hát như xưa Ảnh: T.L

“Không được chơi nhạc cùng nhau”

Nhà hát Giao hưởng vũ kịch (HBSO) đã ra thông báo: “chúng tôi tạm hoãn biểu diễn hòa nhạc thính phòng ngày 14/3/2020 và chương trình BEETHOVEN 250 ngày 28/3/2020 tại Nhà hát Thành phố và sẽ sắp xếp lại lịch diễn 2020”.

Các nghệ sĩ Nhà hát giao hưởng vũ kịch TPHCM hẹn gặp nhau tại Nhà hát thành phố “cho đỡ nhớ”
Như vậy là lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà hát Giao hưởng vũ kịch của thành phố đông dân này vẫn chưa thể khai xuân được, dù đã cuối tháng ba. 

Thông báo của nhà hát khẳng định: “Mùa diễn năm nay của Dàn nhạc sẽ được bắt đầu từ tháng 4/2020 đến hết tháng 1/2021 với chương trình mở màn mùa diễn với Vũ kịch Cô bé Lọ Lem vào ngày 3và 4/04/2020 tại Nhà hát Thành phố. Chúng tôi sẽ thông báo lịch diễn 2020-2021 cụ thể sớm nhất đến Quý vị”. HSBO bày tỏ sự xin lỗi và mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của khán giả trong nước và quốc tế.

Suốt mấy tháng không chơi nhạc, không biểu diễn, đó là quãng thời gian “thử thách” với những nghệ sĩ chuyên nghiệp, vốn tập tành mấy tiếng mỗi ngày. Đối với nhạc giao hưởng, các nghệ sĩ phải tập chung với nhau một buổi mấy chục người. Nay, để tránh việc lây lan corona, những chương trình giao hưởng quy mô càng không thể triển khai tập được, chưa nói là biểu diễn.

Các nghệ sĩ mới đây đã đăng ảnh hẹn gặp nhau ngay sảnh Nhà hát lớn thành phố, không phải để tập, mà để cho đỡ nhớ: “Mấy tháng rồi không chơi nhạc cùng nhau, nhớ quá nên hôm nay anh kiếm chuyện ra đây tám (tâm sự)!” Một nghệ sĩ kèn của nhà hát chia sẻ.

Một nghệ sĩ của Nhà hát cho phóng viên biết: “Nhà hát nghỉ hết tháng 3 này theo chỉ thị của Sở, với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như vậy chưa biết bao giờ nhà hát mới hoạt động trở lại”.

Rocker nằm nhà… xem phim kinh điển

Nghệ sĩ ghi ta Phương Yoko chia sẻ danh sách 40 bộ phim kinh điển cho các rocker xem ở nhà thực hiện chủ trương hạn chế tụ tập đông người. Những bộ phim của anh lên danh sách có Bố già (1972 ), Bản danh sách của Schindler (1993), Sự im lặng của bầy cừu (1991), Forrest Gump (1994), Nhà tù Shawshank (1994), Up (2008), The Social Network (2010), 7 tội lỗi (1995), Cuộc sống tươi đẹp (1997), Ray (2004)… Rất nhiều nghệ sĩ ủng hộ việc xem phim kinh điển và đề nghị anh cập nhận những bộ phim mới có chất lượng trên mạng để chia sẻ cùng xem.

Phóng viên tìm gặp Phương Yoko tại một chung cư quận 10, được anh cho biết: “Thời gian gần đây tôi chơi nhạc tại phòng trà của Cẩm Vân, Khắc Triệu. Để đảm bảo an toàn cho các nghệ sĩ và khán giả, phòng trà đóng cửa từ sau Tết, thậm chí trước khi thành phố yêu cầu ngưng hoạt động quán bar vũ trường”.

Ngưng biểu diễn, chắc chắn các nghệ sĩ ảnh hưởng đến thu nhập, bởi phần nhiều nghệ sĩ tại TPHCM sống nhờ cát sê và tiền dạy nhạc. Do lo sợ dịch cúm, các phụ huynh cũng chẳng cho con đi học nhạc nữa. Các trung tâm đào tạo âm nhạc đều vắng hoe.

Tấn Trung, một tay trống kiêm ca sĩ rất yêu nghề. Tôi mới gặp anh hồi đầu năm tại quán bar ca nhạc gần chợ Bến Thành, nghe anh hát những ca khúc Blues sôi động. Lệnh cấm các quán bar hoạt động khiến cho Tấn Trung rơi vào cảnh ngồi không! Nhưng Tấn Trung ủng hộ việc hạn chế ra đường vào lúc này. Tấn Trung viết trên trang cá nhân của mình: “Còn tụ tập ăn nhậu cafe nhiều quá. Khó mà kêu gọi dân Sài Gòn ở nhà, nên chăng thành phố có chỉ thị cứng rắn như Mỹ và các nước khác… Chịu khó vài tuần hay thành Vũ Hán?”. Tấn Trung cũng ủng hộ sáng kiến rocker nên xem phim tại nhà.

Mỗi ngày một clip!

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn vốn không quan tâm lắm đến mạng xã hội, mãi tới gần đây anh mới mở kênh riêng của mình. Thế nhưng, Covid-19 đã làm thay đổi tất cả.

Các chương trình âm nhạc bị hủy, quán nhạc jazz của Trần Mạnh Tuấn tại trung tâm thành phố cũng đóng cửa. Người nghệ sĩ kèn có thói quen dậy từ 4-5 giờ sáng để tập kèn trong phòng cách âm bây giờ phải tìm thú vui và mối quan hệ xã hội bằng thế giới mạng!

Mỗi ngày, đều đặn, Trần Mạnh Tuấn lại tổ chức livestream nói chuyện về nghệ thuật kèn, trao đổi, chia sẻ cùng bạn bè nghệ sĩ và khán giả. Anh đi tìm những clip các các phẩm của mình để chia sẻ lên mạng xã hội mỗi ngày. Anh gọi là chương trình: “Mỗi ngày 1 Video thời Covid!”. 

Cô bé An Trần, con gái nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn là người đầu tiên được đi học nhạc tại Mỹ bằng quỹ học bổng Trịnh Công Sơn. Cô bé sinh năm 2004 này đã một mình tìm đường về Việt Nam; đi qua nhiều chuyến bay, nhiều sân bay, chứng kiến cảnh các sân bay gần như “tan hoang” bởi dịch cúm corona. 

Về đâu những ông bầu?

Nghề làm chủ quán bar, phòng trà ca nhạc là một nghề vốn dĩ “khó nhằn”, đa số chủ là dân chơi nhạc, nhạc công, ca sĩ. Hoài Anh, chủ một quán nhạc nói: “Mọi người không biết đằng sau những đêm nhạc vui vẻ là nỗi lo của người chủ quán. Đa số quán nhạc chỉ mong hòa vốn, không bị lỗ. Chẳng ai làm giàu được bằng nghề này. Nguyên nhân là giá mặt bằng quá cao”.

“Dịch cúm Covid-19 nổ ra, các quán nhạc đóng cửa, trong khi tiền thuê mặt bằng hàng trăm triệu đồng mỗi tháng? Lấy đâu ra để trả bây giờ” – Một bác chủ quán nhạc người gốc Hà Nội than thở. Có thể chủ nhà sẽ thông cảm mà giảm giá thuê xuống phần nào đó thôi, nhưng quán nhạc thì đóng cửa hẳn rồi, không có một xu doanh thu.

Ca sĩ Tố Phương, chủ quán nhạc ở quận 3 đã hài hước đăng tấm hình cô với một chiếc gậy, một con chó nhỏ, với ẩn ý chia sẻ “Chắc là phen này, phải tha phương cầu thực” mất thôi. Tố Phương luôn là một người sôi nổi, hài hước. Nhưng quả thật, đa số các quán nhạc đều chỉ trông chờ nguồn thu từ các chương trình âm nhạc nhạc buổi tối (ban ngày quán đóng cửa, hoặc chỉ bán cà phê cho khách quen, do thiết kế phòng trà âm nhạc khác với quán cà phê). Các nghệ sĩ đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì Covid-19.

Ca sĩ Tố Phương, chủ quán nhạc tại quận 3 chế ảnh vui “Tha phương cầu thực” khi doanh số quán nhạc bằng 0     

Lời khuyên của mẹ Tuyết Loan

Ca sĩ Tôn Thất Mạnh Tuấn, một ca sĩ trẻ hát dòng nhạc Blues - jazz than: “2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức cho các con giáp: Tuất - Dần - Dậu - Hợi - Mão - Mùi - Ngọ - Tý - Thân - Tỵ - Sửu – Thìn” (nghĩa là tất cả). Anh yêu nghề, hằng đêm diễn ở các khách sạn, các bar, quán cà phê với giọng ca trau chuốt và vốn ngoại ngữ khá, phong cách lịch lãm. Gần đây chàng ca sĩ có gốc gác hoàng tộc Huế này lấn sân sang cả nhạc “sến”, diễn ở Đồng Dao, nhưng cũng không còn đất diễn chỉ vì vi rút corona.

Các phòng trà nhạc Việt như Đồng Dao, WE, Không Tên cũng đóng cửa hết rồi. Trước tâm trạng buồn bã của Tôn Thất Mạnh Tuấn, ca sĩ gạo cội Tuyết Loan động viên Tôn Thất Mạnh Tuấn rằng: “Con trai của mẹ, đừng lo lắng nhiều, nên chăm sóc sức khoẻ của con cho cẩn thận. Mẹ tin con người đều có số phận sẵn do Trời định rồi, vẫn phải sống bằng sự mạnh mẽ của chính bản thân mình để vượt qua tất cả”.