Văn nghệ sĩ trải lòng với lãnh đạo TPHCM

TP - Chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ biểu diễn, phục vụ công chúng tốt hơn… là các đề xuất của hơn 90 văn nghệ sĩ tiêu biểu gửi đến lãnh đạo TPHCM tại buổi họp mặt đầu năm Nhâm Dần 2022, diễn ra hôm 12/2.

Lãnh đạo TPHCM và các văn nghệ sĩ tại buổi họp mặt đầu năm Nhâm Dần 2022

Tham dự họp mặt có Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ...

Tại buổi họp mặt, bày tỏ xúc động và hạnh phúc khi được lãnh đạo TPHCM quan tâm, lắng nghe góp ý, Nhà giáo ưu tú Đoàn Mạnh Dung (84 tuổi) chia sẻ: “Điều trước tiên là tôi rất hồi hộp và đứng tại đây, cảm xúc lâng lâng, lại vừa phấn khởi. Sau đại dịch COVID-19 kéo dài hơn hai năm, bước sang năm Nhâm Dần 2022, tất cả hoạt động nghệ thuật, ca nhạc, sân khấu nói chung bắt đầu được khởi động lại. Đây là điều báo hiệu cho năm mới Nhâm Dần và báo hiệu cho TPHCM bước vào giai đoạn mới. Cuộc sống bình thường mới nhưng đầy năng lực và sức mạnh như những ông chúa sơn lâm”.

Nhà giáo ưu tú Đoàn Mạnh Dung mong muốn các cơ quan chức năng và lãnh đạo TPHCM quan tâm nhiều hơn, sâu sát hơn trong công tác chăm lo bồi dưỡng cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ. Là người trực tiếp giảng dạy, các giảng viên đào tạo nghệ sĩ, ông mong muốn các nghệ sĩ trẻ không chỉ vững chuyên môn, mang tài năng đóng góp cho văn hóa - nghệ thuật nước nhà mà họ còn cần được bồi dưỡng thêm về đạo đức làm nghề để đóng góp vào sự phát triển của TPHCM, hướng đến mục tiêu Thành phố “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Là một người con ở tỉnh xa đến TPHCM lập nghiệp, Hoa hậu H’Hen Niê, Công dân trẻ tiêu biểu của TPHCM năm 2021 xúc động bày tỏ tình cảm, mong muốn, khao khát có được cơ hội đóng góp cho TPHCM. Hoa hậu H’Hen Niê nói, dù sinh ra ở tỉnh, thành nào, TPHCM vẫn luôn là cái nôi, nơi quy tụ nhiều nhân tài. Và, những anh chị em văn nghệ sĩ từ các vùng miền, mong muốn tham gia các câu lạc bộ chuyên nghiệp hơn để có sự kết nối chặt chẽ hơn. Từ đó, các anh chị văn nghệ sĩ đi trước có cơ hội chia sẻ những điều quí báu, những kiến thức, kinh nghiệm cho các bạn trẻ để tiếp tục góp phần vào sự phát triển văn học nghệ thuật tại TPHCM cũng như các nghệ sĩ trẻ ở tỉnh có cơ hội chia sẻ những đặc trưng văn hoá của các tỉnh, thành, vùng miền, giúp cho TPHCM có thêm nhiều nét văn hóa nghệ thuật đa dạng, phong phú hơn.

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh, Trưởng Đoàn Nhạc kịch Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM mong muốn lãnh đạo TPHCM sớm xây dựng ngôi nhà chung phục vụ cho nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau để văn nghệ sĩ có cơ hội biểu diễn và phục vụ công chúng tốt hơn.

Trân trọng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của văn nghệ sĩ tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều lĩnh vực chịu tác động lớn, trong đó lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh khốc liệt đó, nhiều văn nghệ sĩ bằng tài năng, tâm huyết và trách nhiệm đã sáng tạo cách làm hay, thích ứng với tình hình khó khăn, đóng góp hiệu quả vào công tác phòng chống dịch. Các đơn vị nghệ thuật công lập tích cực tham gia biểu diễn phục vụ các lực lượng tuyến đầu và người bệnh tại các khu cách ly y tế, vừa tham gia các hoạt động phục vụ phòng chống dịch tại các quận huyện…

Ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ lòng tri ân với đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, đặc biệt là văn nghệ sĩ TPHCM đã có nhiều cống hiến, bất chấp hiểm nguy, xung phong vào tâm dịch trong thời điểm đợt dịch thứ tư tại TPHCM bùng phát để chia sẻ với lực lượng tuyến đầu, gánh vác khó khăn với Nhân dân và từ đó sáng tác, làm nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. “Chúng ta xúc động với sự ra đời của Đội hình nghệ sĩ tình nguyện do Thành Đoàn thành lập, thu hút 150 nghệ sĩ từ nhiều lĩnh vực tham gia, gắn bó và đồng hành trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19… Sự đóng góp kịp thời, hiệu quả, trách nhiệm và tình cảm của văn nghệ sĩ đã chia sẻ khó khăn của TPHCM trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19” – ông Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TPHCM xúc động nhắc lại những câu chuyện diễn ra vào thời khắc khó khăn nhất của thành phố. Nhiều văn nghệ sĩ tình nguyện tham gia lực lượng phòng chống dịch, đem lời ca tiếng hát, tiếng kèn… đến với bệnh nhân, lực lượng tuyến đầu. Ông đề nghị dù đại dịch đã được khống chế và đẩy lùi, đội ngũ các văn nghệ sĩ cần tiếp tục sáng tác để lưu lại những kí ức này và qua đó làm bật lên những phẩm chất tốt đẹp của lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, sự tương thân tương ái…

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TPHCM, trong hơn 3 tháng cao điểm của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã có 42 văn nghệ sĩ qua đời, hầu hết là những văn nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật của TPHCM và đất nước. Đây là tổn thất rất lớn cho nền văn học nghệ thuật nói chung và TPHCM nói riêng.