Ông Nguyễn Văn Tưởng: Tôi cho rằng, Cuộc vận động là một quá trình để chúng ta xây dựng những thương hiệu Việt- thương hiệu của quốc gia cho nên Cuộc vận động đã khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Những năm gần đây, có một số quốc gia đã sử dụng hình ảnh Việt Nam cho hàng hóa của mình. Điều này là minh chứng hàng Việt dần có giá trị cao không chỉ trong trái tim người Việt mà còn có tầm ảnh hưởng ra thế giới.
Cuộc vận động cũng đề ra định hướng đúng đắn là hàng Việt cần đi vào chất lượng. Nhưng để thực hiện được định hướng đúng đắn ấy, còn liên quan đến rất nhiều vấn đề, trong đó có những ngành hàng, đặc biệt là tư duy của những người tham gia sản xuất … Vấn đề đặt ra là trong suốt quá trình chúng ta nhận thức được câu chuyện của thương hiệu thì một thương hiệu quốc gia lớn phải được tập hợp bởi những ngành hàng mang triết lý sâu sắc, có văn hóa, tâm hồn người Việt, bản lĩnh người Việt và khẳng định được với thế giới rằng chỉ cần nhìn thấy màu sắc, bao bì hay thiết kế của mặt hàng đó là có thể biết đó là hàng Việt Nam.
Hầu như, khi bước ra thế giới, câu chuyện hình ảnh và nhận diện thương hiệu của hàng hóa Việt Nam còn khá nhiều việc để làm và phải làm. Chúng ta có thể tiếp tục kêu gọi doanh nhân phát triển, phải thắng, nhưng cần phải loại bỏ nhận thức “thương trường là chiến trường”. Nhận thức “thương trường là chiến trường” đã khiến cho nhiều doanh nhân làm hàng giả hàng nhái, “bóp chết” nhiều doanh nhân tử tế. Bởi chiến trường là một mất một còn, khác hẳn với tư duy tất cả mọi người cùng thắng.
Cho nên câu chuyện đặt ra ở đây là cần hợp tác với nhau để xây dựng nền kinh tế mà tất cả mọi người đều có lợi, điều này không chỉ thể hiện sự văn minh mà còn thể hiện tư tưởng của người Việt bởi lòng vị tha và sự tử tế. Đó chính là mục tiêu mà chúng ta hướng đến: văn hóa kinh doanh của người Việt. Văn hóa kinh doanh cùng thắng phải được lan tỏa rộng hơn, không kích thích doanh nhân coi thương trường là chiến trận.
Tinh thần “thương trường là chiến trường” không phù hợp với văn hóa kinh doanh đỉnh cao của nhân loại và sẽ khó giúp cho doanh nghiệp Việt có bản lĩnh, cảm hóa người khác có sự hứng thú với hàng hóa của mình.
Đây là kinh nghiệm của chúng tôi khi làm ra sản phẩm Trầm Hương Khánh Hòa - phải là sản phẩm khiến người tiêu dùng không những thích mà còn yêu.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tich công ty Trầm hương Khánh Hoà
Với một sản vật đặc biệt như trầm hương, mang chiều sâu văn hóa tâm hồn, có tính kết nối toàn cầu thì không có gì ngạc nhiên khi sản vật này được chọn là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu được vinh danh trong chương trình nghệ thuật “Trầm Hương Khánh Hòa - Linh khí của Trời đất”- một trong những sự kiện chính của Năm Du lịch Quốc gia - Festival biển Nha Trang - Khánh Hoà 2019. Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của chương trình này?
- Đó là sự tri ân của tôi không chỉ với nhân dân Khánh Hòa, mà còn với ngành trầm hương của Việt Nam. Có thể nói, ATC đã tổ chức Lễ dâng trầm đầu tiên của Việt Nam, ở đó, người xem được nghe, được nhìn, được thưởng hương trầm, được đứng trong không gian của những vị thần, của Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Lần đầu tiên, hàng triệu người con đất Việt và cả bạn bè quốc tế được cùng nhau “nghe trầm kể chuyện nghìn năm- câu chuyện về sức mạnh của tự nhiên, về khát vọng của con người và về làn hương thiêng mà đất trời gửi gắm bao đời, là cầu nối giữa con người với thế giới linh thiêng. Tôi tin rằng trong trái tim của hàng nghìn người chiêm ngưỡng Lễ dâng trầm đêm hôm ấy, làn hương thiêng đã chạm tới những gì trân quý, thiêng liêng nhất.
Nhờ trầm hương, tôi có lòng tin, những điều tốt đẹp nhất luôn tồn tại trong mỗi con người.
Trầm hương là ngôn ngữ chung giữa nhiều nền văn hoá. Dù ở đâu, hương trầm cũng là lời nguyện cầu thành kính của con người với Tổ tiên, Trời đất và thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt.
Từ chương trình này, chúng tôi muốn gửi thông điệp về hương thơm Việt Nam, về những điều cao quý và linh thiêng để thể hiện tình yêu quê hương đất nước của mình. Việt Nam có rất nhiều sản vật mang chiều sâu văn hóa chứ không riêng gì trầm hương. Vấn đề là chúng ta phải làm thế nào để lan tỏa giá trị của một sản vật mang chiều sâu văn hóa, thể hiện bản lĩnh của người Việt, giúp cho nền kinh tế Việt Nam chạm đến trái tim, tâm hồn người Việt mình hơn và để người Việt thêm yêu và tin dùng hàng Việt hơn.
Trong giai đoạn này, Việt Nam đã cùng các nước ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EUFTA và các FTA khác để hướng đến một nền kinh tế mở. Thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt, đó là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt. Từ câu chuyện của Trầm Hương Khánh Hòa, theo ông, làm thế nào để các thương hiệu Việt có thể phát triển bền vững?
- Đứng trước một nền kinh tế mở thì điều trước tiên chúng ta cần làm là xây dựng một tư duy sử dụng mạng xã hội và văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Dù Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, nhưng hàng hóa khi bán trên mạng đều chưa phải tất cả là hàng tốt, việc kinh doanh chưa được bài bản, dẫn đến tình trạng, những mặt hàng tốt thì không được nhìn nhận đúng trong khi hàng kém chất lượng lại tràn lan.
Có rất nhiều cơ quan nhà nước đã nhìn ra vân đề này nhưng chưa làm được gì nhiều dẫn đến việc ai cũng có thể kinh doanh trên mạng, có thể đưa thông tin về hàng hóa lên mạng. Điều này cũng tương tự như việc hàng tốt không có đất sống trong khi hàng kém chất lượng lại được tiêu dùng nhiều. Việc sử dụng thông tin trên mạng cũng đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp. Đôi khi chỉ vì một thông tin không đúng sự thật, bị người khác bịa đặt đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín doanh nghiệp, trong lúc chưa kịp minh oan thì doanh nghiệp đã “chết” rồi.
Bên cạnh đó, để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài ngay trên “sân nhà”, mỗi doanh nghiệp cần phải đầu tư vào việc xử lý các thông tin trên mạng hoặc chủ động tiếp cận, lan tỏa những thông tin tốt để cộng đồng mạng chia sẻ, ủng hộ. Mặt khác, trong nhiều năm qua, do tư duy làm thương hiệu của chúng ta chưa tốt nên có nhiều thương hiệu khó nhớ, khó tìm kiếm hoặc vì nhiều lý do mà cộng đồng không ưa, bởi một số người Việt có tính hiếu kỳ, những thứ không hay lại chú ý, những điều nghiêm túc, có chiều sâu văn hóa lại không tìm hiểu.
Cho nên chúng ta cần có chính sách để chuẩn hóa các giao tiếp trên mạng, xây dựng Luật An ninh mạng chặt chẽ hơn nữa. Nếu Nhà nước không “làm rắn” về Luật An ninh mạng, giao tiếp trên mạng hay kinh doanh qua mạng thì sẽ khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế lớn đến từ các nước trên thế giới.
Trầm hương Khánh Hoà- một trong những loại trầm tốt nhất thế giới
Ông vừa nói tới tâm lý sính ngoại của người Việt. Đây cũng có thể coi là một trong những mục đích để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ra đời. Vì Cuộc vận động này đã kêu gọi người dân phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định. Vậy theo ông làm thế nào để tấm lòng của những người Việt yêu nước thực sự phát huy giá trị trước một nền kinh tế mở với sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu đến từ nước ngoài?
- Bản thân mỗi người Việt đều có lòng yêu nước rất sâu sắc cho nên tôi tin rằng ai cũng ý thức được sự gắn bó của mình với đất nước, với dân tộc, với những sản phẩm hàng hóa “Made in Vietnam” dù rằng hiện nay các bài giảng về hàng hóa “Made in Vietnam” trong giáo dục phổ thông còn hơi ít. Chính vì vậy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã “đánh” vào ý thức tự tôn dân tộc, đưa ý thức ấy trở thành văn hóa tiêu dùng là điều hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên trong giai đoạn mới, văn hóa ấy nên thay đổi dựa trên sự thắng lợi của những xu hướng để chúng ta có cuộc vận động không chỉ mang tính kêu gọi lòng yêu nước mà còn giúp người Việt thích ứng với những thay đổi của thời đại.
Đó là thiết bị thông minh. Những thiết bị này sẽ đi vào muôn mặt cuộc sống, nếu không kịp thời tiếp cận, hoặc không chủ động để có thông tin, tích hợp sản phẩm hàng hóa với các thiết bị này chúng ta sẽ bị thua thiệt với các công ty lớn của Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc. Hàng hóa của họ đã đưa những tiện ích trong ứng dụng công nghệ vào sản phẩm. Còn ở Việt Nam, hầu như các doanh nghiệp chưa đả động tới chuyện này. Vì vậy, tôi xin cảm ơn báo Đại Đoàn Kết đã cho tôi cơ hội để nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp không chủ động tiếp cận thông tin có tính khoa học cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và cách mạng công nghệ 4.0 thì rất khó có “cửa” để cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Được biết, tháng 10 năm nay, ông sẽ là doanh nhân Việt Nam được mời tham dự Diễn đàn của Liên minh những nhà lãnh đạo thế giới. Cảm xúc của ông trước chuyến đi này là gì?
- Trước tiên đây là vinh dự rất lớn cho cá nhân tôi và Công ty Trầm Hương Khánh Hoà khi được xuất hiện với tư cách là một đại biểu tại môt diễn đàn của Liên minh những nhà lãnh đạo thế giới - diễn đàn của các cựu nguyên thủ quốc gia và các nhà cựu lãnh đạo chính phủ lớn nhất thế giới. Cơ duyên này có lẽ đã đến từ nhiều năm trước, nhất là khi chiếc quạt trầm của ATC được Nhà nước lựa chọn là một trong những sản vật mang tính biểu trưng văn hoá làm quà tặng cho nguyên thủ các quốc gia đến Việt Nam dự Tuần lễ cấp cao APEC (2017). Sau APEC, các nhà lãnh đạo thế giới đã thấy được giá trị của Trầm Hương Khánh Hòa, họ theo dõi sự phát triển của chúng tôi và đến với chúng tôi.
Khi đến với Trầm Hương Khánh Hoà, tôi tin, tất cả chúng ta đều trở nên mạnh mẽ và phi thường. Chúng ta phi thường bởi được gần gũi với những giá trị vô giá từ nhiều thế hệ, được gần gũi hương thơm tinh khiết của trầm - tạo vật linh thiêng Trời đất ban tặng. Chúng ta mạnh mẽ bởi trầm hương nuôi dưỡng thân sinh kiên cường, thân tâm sáng tỏ, dẫn lối con người đến với thiện hạnh. Một gia đình với những con người mạnh mẽ và thịnh vượng sẽ thật vững bền. Một dân tộc Việt với những con người mạnh mẽ và thịnh vượng sẽ phát triển, thăng hoa.
Cho nên, chuyến đi này chính là cơ hội để Trầm Hương Khánh Hoà tiếp tục tự hào giới thiệu, quảng bá những sản vật mang đậm bản sắc văn hoá, tâm hồn và bản lĩnh của người Việt Nam ra với thế giới.
Sự linh thiêng cao quý ấy đã đưa tư tưởng của rất nhiều nhà lãnh đạo, những học giả hàng đầu trong nước và thế giới đã, đang và sẽ đến với ATC. Điều này cho thấy, khi chúng ta đã có những giá trị của Trời đất trao cho, người Việt giữ được hồn cốt ấy và biết phát huy thì giá trị không đơn thuần là tiền nữa, đó sẽ là lực hút rất mạnh mẽ để kéo các nhân tài, học giả gắn bó xây dựng cho nền kinh tế nước nhà. Đây cũng là việc sống còn trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Khi bước ra thế giới, câu chuyện hình ảnh và nhận diện thương hiệu của hàng hóa Việt Nam còn khá nhiều việc để làm và phải làm. Chúng ta có thể tiếp tục kêu gọi doanh nhân phát triển, phải thắng, nhưng cần phải loại bỏ nhận thức “thương trường là chiến trường”. Nhận thức “thương trường là chiến trường” đã khiến cho nhiều doanh nhân làm hàng giả hàng nhái, “bóp chết” nhiều doanh nhân tử tế. Bởi chiến trường là một mất một còn, khác hẳn với tư duy tất cả mọi người cùng thắng. Tinh thần “thương trường là chiến trường” không phù hợp với văn hóa kinh doanh đỉnh cao của nhân loại và sẽ khó giúp cho doanh nghiệp Việt có bản lĩnh, cảm hóa người khác có sự hứng thú với hàng hóa của mình.
Từ câu chuyện của Trầm Hương Khánh Hòa, theo ông, làm thế nào để các thương hiệu Việt có thể phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Văn Tưởng: Đứng trước một nền kinh tế mở thì điều trước tiên chúng ta cần làm là xây dựng một tư duy sử dụng mạng xã hội và văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Nhiều hàng hóa khi bán trên mạng chưa phải tất cả là hàng tốt, việc kinh doanh chưa được bài bản, dẫn đến tình trạng những mặt hàng tốt thì không được nhìn nhận đúng trong khi hàng kém chất lượng lại tràn lan. Đôi khi chỉ vì một thông tin không đúng sự thật, bị người khác bịa đặt đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín doanh nghiệp, trong lúc chưa kịp minh oan thì doanh nghiệp đã “chết” rồi. Vì thế mỗi doanh nghiệp cần phải đầu tư vào việc xử lý các thông tin trên mạng hoặc chủ động tiếp cận, lan tỏa những thông tin tốt để cộng đồng mạng chia sẻ, ủng hộ.
Cũng phải nói thêm rằng, cần phải chuẩn hóa lại, có quy định chặt chẽ về “tên ta hay tên tây” để tránh tình trạng trục lợi từ những thương hiệu mù mờ, nhập nhằng về tên gọi. Nếu Nhà nước không “làm rắn” về Luật An ninh mạng, giao tiếp trên mạng hay kinh doanh qua mạng thì sẽ khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế lớn đến từ các nước trên thế giới.
Mỗi người Việt đều có lòng yêu nước rất sâu sắc cho nên tôi tin rằng ai cũng ý thức được sự gắn bó của mình với đất nước, với dân tộc, với những sản phẩm hàng hóa “Made in Vietnam” dù rằng hiện nay các bài giảng về hàng hóa “Made in Vietnam” trong giáo dục phổ thông còn hơi ít. Chính vì vậy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã “đánh” vào ý thức tự tôn dân tộc, đưa ý thức ấy trở thành văn hóa tiêu dùng là điều hoàn toàn đúng đắn.