Là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của Hà Nội, Lễ hội Đền Sóc tại huyện Sóc Sơn diễn ra mùng 6 Tết, thu hút sự tham gia của đông đảo du khách thập phương. Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, năm nay nhờ tổ chức quy củ, bài bản nên lượng du khách đến với đền Sóc đạt khoảng 140.000 người (tăng khoảng 20.000 du khách so với năm 2023). Doanh thu từ các hoạt động công đức ước khoảng 1 tỷ đồng.
Tại Lễ hội Chùa Hương, ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, Ban Tổ chức đã thành lập 5 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé, 1 tổ kiểm tra liên ngành. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng thành viên các tiểu ban xây dựng kịch bản quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo. Đến thời điểm này lượng du khách đến với Chùa Hương đã lên đến 32 vạn người, về doanh thu đang được Ban tổ chức lễ hội tổng hợp báo cáo.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết thêm, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Qua kiểm tra, các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm. Sở Văn hóa và Thể thao chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và Ban tổ chức lễ hội, tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân và những đối tượng tham gia phục vụ lễ hội về thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp ứng xử và các hoạt động dịch vụ...
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao thông tin, tính đến 27/2/2024 (ngày 18/1 Âm lịch) đã có 405 lễ hội đã được tổ chức tại các quận, huyện, thị xã. Hiện các quận, huyện, thị xã có lễ hội đang tổng hợp số liệu về du khách, thu từ hoạt động lễ hội. Sau khi có báo cáo, Sở Văn hóa Thể thao sẽ thông tin cụ thể, đảm bảo minh bạch nguồn tiền này.
Vẫn còn “sạn”
Dù đã có sự chuẩn bị nhưng vẫn còn nhiều “sạn” tại các lễ hội. Đó là tình trạng đánh bạc “đội lốt” trò chơi dân gian ném phi tiêu cộng điểm trúng thưởng tại Lễ hội Đền Sóc năm 2024. Đại diện Ban tổ chức Lễ hội Đền Sóc cho biết, khi xin cấp phép, các điểm này đều đăng ký là tổ chức trò chơi dân gian ném phi tiêu trúng thưởng thú bông. Tuy nhiên, sau đó các điểm này đã thay đổi phần thưởng thành tiền mặt, như thế là đánh bạc trá hình. Ngay sau đó, lực lượng chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, đồng thời đình chỉ trò chơi.
Vấn đề an toàn thực phẩm tại các lễ hội còn nhiều tồn tại. Tại Khu du lịch - Di tích Đền Gióng (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn), có hàng chục quầy hàng, dịch vụ ăn uống phục vụ du khách. Các món ăn nhanh như xúc xích, bò viên, chè, bánh, hoa quả dầm… bày bán sát lề đường. Người đông, xe chạy liên tục khiến con đường tung bụi nhưng các loại thực phẩm này vẫn không được che đậy. Một số người bán dùng tay trần bốc, thái thức ăn.
Tại khu di tích chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, Hà Nội), nhiều quầy hàng ăn nhanh bày bán sát lề đường mặc cho
ô tô, xe máy chen lấn xả khói, bụi cuốn vào thực phẩm. Còn tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), từ khu vực để xe đến tận cửa phủ dài gần 1km san sát các cửa hàng ăn lớn, nhỏ bán bún ốc, cua, tôm, rượu nếp, bánh đúc, bún ốc, xúc xích nướng... Hầu hết đồ ăn ở đây không được che chắn.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, ngày 24/2, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATTP thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại Lễ hội chùa Hương. Năm nay, có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ du khách. Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP của huyện đã kiểm tra được 12/97 cơ sở. Kết quả phát hiện 5 cơ sở vi phạm và bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 7,2 triệu đồng.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, hoạt động lễ hội trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số hạn chế, như mở loa đài công suất lớn, biển bảng quảng cáo mất mỹ quan, tổ chức các trò chơi ăn tiền tại một số lễ hội…