“Ván cờ” Biển Đông: Ai về phe Trung Quốc?

Việc Philippines đưa Trung Quốc ra trước toà án trọng tài quốc tế về yêu sách của Bắc Kinh, đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông đang trở thành một bài toán ngoại giao làm nhức đầu giới lãnh đạo các nước trên thế giới, hãng tin AP (Mỹ) điểm lại hiện trạng "ván cờ" tranh chấp Biển Đông.
“Đường lưỡi bò“ ngang ngược của Trung Quốc bị thế giới lên án

AP ngày 13/6 điểm qua lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông, nhận định càng gần tới ngày toà án quốc tế ở La Haye ra phán quyết, Washington và Bắc Kinh càng tăng áp lực để thuyết phục công luận thế giới ủng hộ lập trường của mình về vai trò của toà án trọng tài quốc tế trong cuộc tranh chấp Biển Đông, để tăng sức ép buộc Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của toà án.

Trung Quốc vẫn ngang ngược khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận phán quyết của toà án La Haye, và đang tìm cách vận động sự ủng họ của các nước khác, đa số là các nước ở châu Phi và Trung Đông. AP điểm qua danh sách của các bên về vấn đề Biển Đông như sau:

Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN

ASEAN từ lâu đã ra sức tìm một giải pháp ngoại giao để giải quyết các vụ tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên khối này không đạt được bao nhiêu tiến bộ mà còn phơi bày những sự chia rẽ sâu sắc trong khối 10 nước thành viên. Đạt một giải pháp đồng thuận về phán quyết của Toà án Trọng tài quốc tế sẽ là một thách thức đầy khó khăn.

Khi Tổng thống Mỹ gặp các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 2/2016, các nước đồng ý sẽ “hoàn toàn tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao” dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Theo AP, là một nước cũng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam là nước ủng hộ vụ kiện của Philippines. Hà Nội đã tuyên bố ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn các thủ tục pháp lý liên quan tới vụ kiện này.

Indonesia và Singapore không tranh chấp chủ quyền nhưng đã lên tiếng mạnh mẽ hơn. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakhrishnan tuần trước nói phán quyết của toà quốc tế sẽ có những hệ quả vượt ra khỏi vùng Biển Đông, và “Singapore không thể chấp nhận lý lẽ là thuộc về kẻ mạnh.” Ngoại trưởng Indonesia không khẳng định lập trường về tính cách ràng buộc của phán quyết của toà án quốc tế, nhưng nói luật pháp quốc tế phải được tôn trọng.

Riêng Philippines, là nước đâm đơn kiện thì lập trường cũng chưa xác định được có gì thay đổi kể từ khi ông Duterte đắc cử.

Nga

Theo AP, Nga được cho là nước nổi bật nhất ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trong chuyến công du sang Trung Quốc hồi tháng 4/2016, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga phản đối bất cứ sự can thiệp nào của các nước bên ngoài, rõ ràng ám chỉ Mỹ, và khẳng định Nga chống đối bất cứ nỗ lực nào để quốc tế hoá các cuộc tranh chấp Biển Đông. Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc rằng các cuộc tranh chấp này phải được giải quyết song phương.

Các nước Châu Phi, Trung Đông ủng hộ Trung Quốc?

Hãng tin Xinhua của nhà nước Trung Quốc hôm 20/5 "khoe" rằng hơn 40 nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Bắc Kinh về vụ kiện do Philippines khởi động. Trong mấy tuần gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo nhận được sự ủng hộ của các nước nghèo chủ yếu là ở châu Phi và Trung Á.

Nhưng trong số các nước được Bắc Kinh nêu tên, ít chính quyền nước ngoài nào ra thông báo để khẳng định lập trường của mình một cách độc lập. Một số, kể cả Campuchia, Lào và Fiji còn phản đối cách Trung Quốc nêu lập trường của họ.

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) cho biết chỉ có thể xác nhận các tuyên bố chính thức của Afghanistan, Gambia, Niger, Sudan và Vanuatu mà thôi.

Liên hiệp châu Âu và khối G7

Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi tất cả các bên đòi chủ quyền Biển Đông phải giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, và dựa trên luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Khối Thất Cường G7 kêu gọi tất cả các nước phải hoàn toàn thi hành các phán quyết do các toà án trọng tài quốc tế đưa ra dựa trên công ước này.

Trong tháng 6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian còn đề nghị các lực lượng hải quân Châu Âu phối hợp để thực hiện các cuộc tuàn hành trên Biển Đông để khẳng định trật tự hàng hải quốc tế. Ông khuyến cáo nếu luật pháp quốc tế trên biển không được tôn trọng trong vùng, thì luật pháp quốc tế tại các vùng biển khác như ở Biển Địa Trung Hải cũng sẽ bị thách thức.

Úc

Vào tháng 1/2016, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói phán quyết do toà án quốc tế đưa ra về vụ kiện Philippines chống Trung Quốc sẽ vô cùng quan trọng, và sẽ giải quyết một lần cuối cùng liệu các đảo và bãi đá nhân tạo có quyền có khu đặc quyền kinh tế hay không. Nhưng Úc ủng hộ các đợt tuần tra thực thi tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông và bản thân Úc cũng cho máy bay và tàu chiến tham gia hoạt động này.

Khu trục hạm USS Lassen của Mỹ thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông

Ấn Độ

Ấn Độ không tuyên bố lập trường rõ rệt về vụ kiện, nhưng nói chung tuyên bố luật pháp quốc tế phải được tuân thủ. Ấn Độ chia sẻ các quan tâm của Mỹ về những tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong các vùng biển của khu vực. Hải quân Ấn Độ cũng đang tập trận chung với hải quân Mỹ và Nhật Bản ở tây Thái Bình Dương.

Nhật Bản

Nhật Bản là một trong các nước đầu tiên ủng hộ các nỗ lực của Philippines đưa Trung Quốc ra trước toà án trọng tài quốc tế, và nói cả hai nước liên quan phải tuân thủ phán quyết của toà. Lập trường của Nhật Bản phản ánh quan ngại của nước này về những hành động của Trung Quốc đòi chủ quyền của các tuyến hàng hải thiết yếu trên Biển Đông, nơi 80% các chuyến tàu nhập khẩu dầu hoả của Nhật Bản phải đi ngang qua.

Theo Theo viettimes.vn