Văn chương thời nay còn làm được gì?

TP - Trong một chương sách, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi “Văn chương ngày nay còn có thể làm được gì?”, có thể coi như một cách đặt tít phản đề, vì câu trả lời tác giả đưa ra không bi quan đến thế.

> Những 'sáng tạo' văn chương vô đối của học trò
> Bài văn tả ngày đầu đến trường 'độc lạ' nhận 2 điểm

Ngay từ tên sách Mùi chữ (nhà phê bình là người làm nhiệm vụ ngửi ra cái mùi này?), tác giả báo hiệu rằng đây sẽ là một cuốn sách phê bình khá tung tẩy, mạch lạc và dễ đọc.

Sách gồm 3 phần. Phần ba Nghĩ về văn chương có tham vọng khá lớn, giải đáp một số câu hỏi hoặc bàn những vấn đề có tính “vĩ mô” về văn chương Việt Nam đương đại.

Chẳng hạn: Văn chương ngày nay còn có thể làm được gì, Thơ trong một nước thơ, Con đường của những tác phẩm lớn, Chúng ta cần gì ở các nhà văn trẻ?, Văn nhân với thị trường, Nghĩ về công chúng của nghệ thuật...

Trong bài Văn chương ngày nay còn có thể làm được gì? (cụ thể là văn chương hư cấu), tác giả nhận định: Cách đây từ một đến nửa thế kỷ thì người ta còn có thể nói là đọc văn chương để hiểu hơn về thế giới. Còn ngày nay, là người làm truyền hình (Đài TH Việt Nam), Nguyễn Hoài Nam nhận định: “Báo chí, truyền hình và điện ảnh đã và đang là những thế lực biến văn chương thành kẻ ở chiếu dưới…”.

Các tác phẩm phi hư cấu gần đây rộ lên ở Việt Nam. Nguyễn Hoài Nam cho rằng, để tìm hiểu một số vấn đề thực tế và văn hóa, công chúng sẽ lựa chọn các chương trình phim tài liệu khoa học hoặc những ghi chép phi hư cấu công phu, hơn là một tác phẩm văn chương hư cấu.

Mặc dù vậy, có đúng là văn chương đã không còn làm được gì? Không phải, bởi thiên chức của văn chương còn nhiều. Tác giả bày tỏ sự phản đối với kiểu văn chương theo nhiệm vụ (chẳng hạn phản ánh hiện thực).

Anh viết: “Tôi tin rằng văn chương ngày nay, cũng như văn chương muôn đời trong mai hậu, không bao giờ hết việc để làm nếu nó nhắm đúng miền xác định của mình, cái miền mà báo chí chỉ có thể khoan thủng ở vùng ven. Đó là thân phận Con Người…”. Tóm lại, sau nhiều lập luận bi quan, thì câu trả lời cuối cùng không bi quan.

Trong bài Thơ trong một nước thơ, với nhận định “Việt Nam là một thi quốc”, tác giả đặt một dấu chấm khẳng định (.) và nói rõ: “Không sao cả, và người viết bài này thì tuyệt nhiên không có gì bất bình trước cảnh phồn thịnh ấy (để đến mức phải kiếm một cây hoa nào đó mà trò chuyện, như có vị từng làm)” .

Đoạn này viết tinh quái, thể hiện đúng chất “trẻ” của tác giả. “Kiếm một cây hoa” không ai khác chính là Nguyễn Huy Thiệp với tiểu luận Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn gây xôn xao năm 2004.

Nhưng dù không có hoa thủy tiên làm cách mở đề, Nguyễn Hoài Nam vẫn có những nhận định rất dễ làm xôn xao: “Viết cũ rích ra, viết như thể chỉ đổ đầy câu chữ có sẵn vào cái khuôn hình thức có sẵn thì được coi là quay về với truyền thống, là mang nặng hồn dân tộc. Viết tối tăm mù mịt như đánh đố người đọc, viết như xả rác vào trong văn bản (gọi là) thơ thì được khen là cách tân, là đã bắt kịp với đủ thứ “isme” của thơ ca thế giới”.

Hai phần còn lại của cuốn sách: Phần một Tìm lại người quen viết về những nhà văn đã được định danh như Vũ Bằng, Xuân Diệu, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Trần Dần, Lưu Quang Vũ, Hồ Anh Thái… Phần hai Tìm trong trang sách tập trung vào tác phẩm: Tiểu thuyết Biên niên kí chim vặn dây cót, Đội gạo lên chùa, Hội thề, Tên tôi là Đỏ, phê bình tập Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy…

Theo Báo giấy