Vì thế, có dạo các phương tiện thông tin đại chúng ầm ào lên với hệ thống máy bơm, được mô tả là “khủng”, được đem ra thử nghiệm ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Hy vọng được nhen lên khi máy bơm bước đầu phát huy tác dụng. Nhưng rồi thì ngập vẫn hoàn ngập. Những người từng đặt nhiều hy vọng máy bơm khủng sẽ giải quyết được cảnh lụt lội đã quá hồ hởi mà quên mất rằng, xét thực trạng ngập lụt của thành phố lớn nhất nước, dù máy bơm có lớn cỡ nào thì đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, mang tính cục bộ. Gần đây nhất, cơn mưa tối 19/5 kéo dài gần 2h đã làm xuất hiện gần 30 điểm ngập rải khắp thành phố. Với tình hình đó, chẳng máy bơm nào có thể xử lý nổi.
Và trên hết, ngập lụt của Sài Gòn đâu chỉ bắt nguồn từ trời mưa kéo dài. Nó là “tổng hòa” rất nhiều nguyên nhân: cống thoát kém, bị lấn chiếm hoặc xả rác chặn lấp, sụt lún đất nhiều nơi, dự báo về khí hậu “lệch pha” lớn so với diễn biến thực tế (dẫn đến hệ quả là việc lập kế hoạch chống ngập lạc hậu), các công trình chống ngập cần nguồn vốn lớn, được nói là lên tới gần 100 ngàn tỷ đồng nhưng “chưa biết lấy từ nguồn nào”. Đã vậy, là một thành phố lớn, sự biến động dân số diễn ra liên tục, các chỉ số tác động đến hiện trạng ngập lụt cũng biến đổi hằng ngày.
Với đủ các loại nguyên nhân và trước những gì đang diễn ra trong thực tế, có thể nói mặc dù TPHCM luôn xếp chống ngập vào danh sách các chương trình trọng điểm, và nó là trọng điểm trong nhiều đời lãnh đạo thành phố, nhưng cho đến nay, người dân chưa hề nhìn thấy chút le lói nào cuối đường hầm. Có thể khẳng định là nếu cứ chống ngập như hiện nay thì chưa biết đến bao giờ TPHCM mới cơ bản hết ngập.
Có lẽ phải nói tới một “Hội nghị Diên hồng” cho công việc chống ngập TPHCM và điều kỳ vọng ở sự kiện này là một tầm nhìn mới, một giải pháp đột phá cho mớ bòng bong ngập - chống ngập - vẫn ngập như hiện nay. “Có bệnh thì vái tứ phương”. Người dân đã từng kỳ vọng cả vào những giải pháp như đặt máy bơm khủng thì cũng sẵn sàng nghe chuyên gia khắp nơi, kể cả nước ngoài hiến kế vì một Sài Gòn - TPHCM khô ráo.