Vài ký ức về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười

TP - Ông Đỗ Mười bất đồ cắt ngang đại ý: Phần đông dân và cán bộ rất tốt, luôn đấu tranh với những sai trái tiêu cực. Nhưng các cậu phải hết sức tỉnh táo. Vì không thiếu gì những trường hợp  hăng hái khiếu kiện nhưng chỉ làm rối tình hình!
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng cây đa lưu niệm tại trụ sở UBND xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội (năm 1996) Ảnh: TTXVN

Mục Những việc cần làm ngay xuất hiện trên Báo Nhân Dân ngày 25/5/1987 đã dấy lên phong trào đấu tranh chống tiêu cực rộng khắp trên mặt bằng báo chí theo sự khởi xướng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Báo Tiền Phong đã nhanh chóng nhập cuộc. Các bài trên nhiều số báo với những điều tra công phu về tình hình tiêu cực ở Thanh Hóa. Trong đó nổi cộm vụ học sinh Lê Huy Chung và có loạt bài điều tra Ai chịu trách nhiệm nỗi oan trái này (sau này loạt bài đã đoạt Giải A Giải Báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1988. Khi đó chưa tổ chức Giải Báo chí Quốc gia) Loạt bài phản ánh ba em gái có tên là Hà, Hoa, Phương đều ở tuổi vị thành niên bị bắt giam oan. Trong trại giam bị đánh đập truy bức như thế nào…

Đã đành có hệ thống phát hành nhưng nhỡ có gì trục trặc chắc gì tờ báo đã đến được tay các đồng chí lãnh đạo? Như đồng chí Đỗ Mười chẳng hạn, khi đó đương là Ủy viên Bộ chính trị Thường trực Ban Bí thư chịu trách nhiệm xử lý những vấn đề phức tạp về tình hình mất đoàn kết mất dân chủ kéo dài ở Thanh Hóa. Tình trạng đó, tiếc thay khi đó do nhiều nguyên nhân, chỉ có mấy cơ quan ngôn luận như Tuần Tin tức, Báo Tiền PhongĐài Tiếng nói Việt Nam phản ánh.  Để cho chắc và để thêm kênh thông tin cho lãnh đạo,  Tổng Biên tập Đinh Văn Nam bảo tôi bằng cách sao đó trực tiếp đưa báo đến nhà riêng ông Đỗ Mười.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992    Ảnh: Xuân Lâm - TTXVN 

Nhận việc mà tôi ngại quá. Nhưng nhờ mấy kênh quen biết, tôi biết được nhà riêng ông Thường trực Ban Bí thư Đỗ Mười ở phố Phạm Đình Hổ. Người quen bày cách cho tôi đến nhà nên vào tầm chiều muộn thì may gặp được? Gặp? Tôi chả dám thế với lại thủ trưởng của tôi có dặn là phải gặp bằng được đồng chí Đỗ Mười đâu? Tôi chỉ định bụng  đưa báo và tài liệu cho người nhà hay may ra gặp được đồng chí thư ký hay giúp việc là hoàn thành nhiệm vụ rồi!

May quá đồng chí thư ký lại đang có nhà. Tôi nhận ra anh Phan Trung Kính vì mấy lần thấy anh tháp tùng Thường trực Ban Bí thư Đỗ Mười lên công trường Sông Đà. Công trình Sông Đà trọng điểm quốc gia khi ấy đã giành được sự quan tâm đặc biệt của nhiều lãnh đạo nhà nước trong đó đặc biệt có ông Đỗ Mười thường xuyên lên công trường. Anh Kính bảo ngồi. Chưa kịp nhấp ly nước anh vừa rót  thì một chất giọng khá vang ngay đằng sau: Có gì đấy anh bạn.  Thường trực Ban bí thư Đỗ Mười đã ngay bên cạnh. Bất ngờ vì chưa bao giờ lại ở gần một vị lãnh đạo với cự ly như thế? Thấy tôi lúng túng, anh Kính cười khuyến khích có gì thì cứ nói…

Ông Đỗ Mười trong bộ đồ mặc ở nhà màu sáng, cung cách cởi mở. Có vẻ như ông không khó chịu vì thứ khách không mời mà đến nhà như thế này?

Cố trấn tĩnh, tôi trình bày những điều cần nói… Nhưng cứ thoáng qua cung cách nghe và vài động tác, có cảm giác, ở vị thế ông thiếu gì kênh này khác nên ông quá rành những chuyện mất đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo không những tầm tỉnh mà cả huyện của xứ Thanh thời điểm ấy. Và ông Đỗ Mười không coi cũng chả hỏi về những điều trong những bài báo đang để trên bàn mà gần như dồn dập những cật vấn. Này, các cậu vào Thanh xuống ở làng xã nào? Thấy bà con thế nào? Dân phàn nàn những gì? Tớ biết trong ấy đang đói… Nói gì đây với thân phận tép riu của mình? 

Nhưng trong không khí cởi mở do ông tạo ra, tôi đâm mạnh dạn và cứ tình thực kể lại những chuyện này khác đã chứng kiến, đã nghe ở những địa bàn mà mình đã từng quen thuộc.  Một hồi, đang thuận miệng, thoáng thấy anh Kính liếc đồng hồ, tôi thầm biết có lẽ phải dừng.

Bất ngờ một động thái phát hơi mạnh vào vai (mà sau này nhiều người nói lại tôi mới biết đó là động thái quen thuộc của ông Đỗ Mười mỗi khi ông biểu lộ thái độ thân mật) rồi ông hạ bàn tay vỗ nhẹ lên những tờ báo trên bàn: "Này các cậu kiếm đâu ra những thứ này"? Tôi ngơ ngác không hiểu thì ông cười Các anh  đi phanh phui chuyện tiêu cực trong tỉnh ở nhà khách Ủy ban, Tỉnh ủy hay giao tế tỉnh? Tôi giật mình! Sao tự nhiên ông lại hỏi vậy nhỉ? May mà chợt hiểu. Một cảm giác ấm áp bất chợt thoáng qua với vị lãnh đạo tinh ý, sâu sát này… Dạ thưa, chúng cháu học kinh nghiệm hồi bác hoạt động bí mật đấy ạ! Không hiểu sao khi ấy tôi lại buột lên câu như vậy.

Rồi tôi tóm tắt vài lộ trình những chuyến đi thực tế trong Thanh. Rằng không dại gì ở nhà khách tỉnh, huyện. Rằng chúng tôi đã bí mật ở một nhà dân nào đó. Rồi những cơ sở những cán bộ, những người biết việc tìm đến để cung cấp những chứng cứ, tài liệu cần thiết. Ông Đỗ Mười bất đồ cắt ngang đại ý: Phần đông dân và cán bộ rất tốt, luôn đấu tranh với những sai trái tiêu cực. Nhưng các cậu phải hết sức tỉnh táo. Vì không thiếu gì những trường hợp hăng hái khiếu kiện nhưng chỉ làm rối tình hình!

Tôi về báo cáo lại với Tổng biên tập Đinh Văn Nam. Anh cho họp ngay tổ công tác ở Tòa soạn có cái tên NVL. Tổ ấy chuyên đặc trách viết bài chống tiêu cực hưởng ứng những việc cần làm ngay. Trong đó Tổng Biên tập nhấn mạnh ý cuối của ông Đỗ Mười rằng báo chí phải hết sức tỉnh táo. Không làm công cụ cho bất kỳ phe phái nào lợi dụng chống tiêu cực để hạ bệ sát phạt nhau.  

Chẳng hay chút việc mọn ngày ấy có góp nên được một cú hích (mà chúng tôi vẫn gọi là cú hích bẩy mươi tư) để thay đổi tình hình? Phải nhiều tháng sau, ngày 18/3/1988,  Bộ Chính trị đã có Thông báo số 74/TW do ông Đỗ Mười, Ủy viên Bộ chính trị Thường trực Ban Bí thư ký. Nội dung kết luận về tình hình Thanh Hóa trong đó có việc nội bộ mất đoàn kết, mất dân chủ và tiêu cực, tham nhũng. Nhiều cán bộ bị kỷ luật trong đó có ông Hà Trọng Hòa mất chức Bí thư Tỉnh ủy.

Sau thời điểm đó, chúng tôi mới vào Thanh công tác và công khai ở nhà khách Ủy ban. Và có bài phỏng vấn ông Hà Văn Ban (khi đó đương là Chủ tịch tỉnh, theo chỉ thị 74 tạm quyền Bí thư Tỉnh ủy) về cách thức thực hiện Thông báo 74/TW như thế nào.

Ba mươi năm đã vèo qua. Cầu giời và cơ chế phù hộ cho xứ Thanh quê tôi và nhiều xứ khác luôn yên hàn để những chức phận phóng viên khỏi làm cái việc bất đắc dĩ phải đến  nhà riêng quấy quả các vị lãnh đạo nữa, như cái buổi chiều muộn năm xa ấy ở phố Phạm Đình Hổ!

(Còn nữa)

Ông Đỗ Mười bất đồ cắt ngang đại ý: Phần đông dân và cán bộ rất tốt, luôn đấu tranh với những sai trái tiêu cực. Nhưng các cậu phải hết sức tỉnh táo. Vì không thiếu gì những trường hợp  hăng hái khiếu kiện nhưng chỉ làm rối tình hình!