'Vạch' thủ đoạn của nhóm giả tu hành, 'chăn dắt' trẻ em ở cửa ngõ Sài Gòn

Bất kể trời nắng hay mưa, tại các giao lộ lớn ở cửa ngõ phía Đông TPHCM thường xuyên xuất hiện nhiều trẻ nhỏ và nhóm người trong bộ quần áo tu hành xin tiền người dân qua lại…
Nhiều người cảm thương những đứa trẻ cũng như muốn “tạo phước” nên rút tiền ra cho.

Thời gian gần đây, người dân lưu thông trên xa lộ Hà Nội, vừa đổ dốc cầu Rạch Chiếc (hướng từ quận 9, Thủ Đức qua quận 2) đến điểm dừng chờ đèn đỏ (nút giao cầu vượt Cát Lái, phường An Phú, quận 2) thường thấy nhóm trẻ em đen đúa, rách rưới và 1 hoặc 2 người mặc quần áo nhà chùa (quần áo màu vàng của các nhà sư) để xin tiền. Nhiều người cảm thương những đứa trẻ cũng như muốn “tạo phước” nên rút tiền ra cho.

Các đối tượng giả người tu hành, chăn dắt trẻ em để xin tiền hoạt động nhộn nhịp tại các giao lộ ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn.

Tuy nhiên, đây là màn lừa đảo lòng tốt của mọi người vì thực tế những đứa trẻ nay bị người lớn núp sau bụi cây gần đó “phè phởn” nằm ngủ và “chăn dắt” để đem tiền, vật chất về cho chúng.

Riêng các đối tượng giả người tu hành, họ là những đối tượng nam nữ lành lặn, có đủ sức khỏe, thuê căn nhà trọ ở con hẻm đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9 sống và hàng ngày chia nhau đi các giao lộ đông đúc phương tiện như Mai Chí Thọ - Lương Định Của, ngã tư Thủ Đức, nút giao Cát Lái... để xin tiền. Sau đó về nhà trọ đếm tiền rồi chia nhau tiêu xài.

 
 

Chiều 27/7, PV Dân trí đã bí mật ghi nhận sự thật diễn ra phía sau cảnh “đáng thương” của những đứa trẻ và các đối tượng giả người tu hành. Theo đó, 2 người phụ nữ lớn tuổi trải tấm chiếu phía trong lùm cây rợp bóng mát cạnh nhà ga Metro An Phú nằm nghỉ và quan sát những đứa trẻ “làm ăn” phía ngoài xa lộ Hà Nội.

Trước đó, PV Dân trí cũng theo chân 2 đứa trẻ giả người tu hành sau khi xin tiền tại nút giao cầu vượt Cát Lái lên xe máy trở về nhà trọ ở phường Long Bình, quận 9. Tại đây, sau khi đưa toàn bộ số tiền “làm ăn” suốt buổi sáng cho “cô Tư”, 2 đứa trẻ mỗi đứa 1 ĐTDĐ thông minh nằm, ngồi để chơi điện tử. Trong khi đó, người phụ nữ thản nhiên đổ tiền ra giữa nhà để kiểm đếm.

 

“Ngày nào người phụ nữ có biệt danh là "cô Tư" này và 2 đứa nhỏ mặc đồ tu hành rồi chở ra XLHN xin tiền. Chỉ nhìn qua là chúng tôi đều biết đây là hành vi giả mạo để trục lợi. Vậy mà vẫn có không ít người tin cho tiền, chẳng khác nào tiếp tay cho thói lười lao động của chúng”, một người dân ở phường Long Bình bức xúc nói.

Thời gian qua, dù đại diện Giáo hội Phật giáo ở TPHCM và các quận, huyện đã có nhiều thông báo về việc không cho phép các nhà sư, người tu hành đi khất thực. Đồng thời khẳng định những người mặc quần áo tu hành để nhận tiền của người dân là giả mạo, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Phật giáo. Tuy nhiên những kẻ biếng nhác, lười lao động nhưng thích hưởng thụ vẫn liên tục giả mạo người tu hành, thậm chí chúng còn sử dụng trẻ em vào mục đích trục lợi của mình.

Cuối tháng 5/2019,  Công an, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy quân sự phường An Phú, quận 2 đã đón lõng bắt được một băng nhóm chuyên chăn dắt trẻ em ăn xin tại khu vực nút giao Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ gần cầu Giồng Ông Tố 2, quận 2.

Theo đó, cơ quan chức năng đã bắt được 2 phụ nữ, 4 trẻ em, trong đó có 2 trẻ còn bú mẹ và 2 trẻ tầm độ 3 đến 6 tuổi. Để vuột mất 1 đối tượng nữ, 1 nam và 5 đứa trẻ. Trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng đã bị các đối tượng chống trả quyết liệt. Trong đó có 2 cán bộ nữ bị các đối tượng đạp vào bụng, cắn vào tay…

Theo Theo Dân trí