Ứng viên sáng giá nào có thể kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long

Sự cố Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bị ngất trong một bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình gần đây đã cho thấy sự cần thiết của việc xác định gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm ông. Tuy nhiên, ứng viên nặng ký nhất cho ghế thủ tướng tương lai của đảo quốc sư tử dường như vẫn chưa rõ ràng.  
Thủ tướng Lý Hiển Long và các Phó thủ tướng Teo Chee Hean (trái) và Tharman Shanmugaratnam. (Ảnh: AFP)

Hôm 29/8, Thủ tướng Lý Hiển Long, 64 tuổi, đã trở lại nhiệm sở sau thời gian nghỉ dưỡng bệnh 7 ngày. Một tuần trước đó, ông khiến người dân Singapore lo lắng do bị ngất trong khi đang có bài phát biểu trực tiếp thường niên về chính sách. Sự cố đã làm gia tăng lo lắng đối với tình trạng không chắc chắn về ứng viên tiềm năng có thể kế nhiệm ông.

Dù tình trạng sức khỏe của thủ tướng ra sao thì đảng cầm quyền của Singapore cũng muốn xác định các ứng viên kế nhiệm từ nhiều năm trước. Ông Lý đã đề cập tới vấn đề này khi ông trở lại sân khấu để tiếp tục phát biểu hôm 21/8. Ông Lý đã đưa ra thời hạn chót cho việc từ chức và chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm là “ngay sau” cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trước tháng 1/2021.

Tuy nhiên, người kế nhiệm đó cho tới nay vẫn chưa rõ ràng. Trong các cuộc chuyển giao lãnh đạo trong quá khứ, những người kế nhiệm thường được xác định sớm và trải qua một quá trình trau dồi kinh nghiệm kéo dài.

Ông Lý Hiển Long từng là Phó thủ tướng trong 14 năm trước khi trở thành thủ tướng vào năm 2004, kế nhiệm ông Goh Chok Tong. Ông Goh cũng là Phó thủ tướng trong 5 năm trước khi trở thành thủ tướng vào năm 2009, kế nhiệm cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, cha của ông Lý Hiển Long. Có một khoảng cách tuổi tác ít nhất 10 năm giữa các thủ tướng kế tiếp.

Trong khi đó, các Phó thủ tướng hiện thời của Singapore, Teo Chee Hean and Tharman Shanmugaratnam, chỉ trẻ hơn ông Lý Hiển Long 3 và 6 tuổi. Vì lý do này, không ai trong số họ được xem là đáp ứng nhu cầu trẻ hóa nhà lãnh đạo.

Trong vài thập niên qua, việc chuyển giao cương vị lãnh đạo tại Singapore không được xem là một sự kiện và thường được dàn xếp chính trị cẩn thận để tránh tình trạng không chắc chắn, giống quá trình chuyển đổi ở nhiều nước láng giềng Đông Nam Á.

Garry Rodan, giáo sư về chính trị Đông Nam Á tại Đại học Murdoch tại Australia, nhận định: “Tốc độ và tính chất của sức ép cơ cấu đối với các nhà hoạch định chính sách của Singapore đã gia tăng nhanh chóng, đặt ra kế hoạch kế nhiệm cấp bách hơn so với quá khứ”.

Trong bài phát biểu sau khi sự cố bị ngất, ông Lý đã nhấn mạnh rằng ông sẽ tập trung vào việc đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực êm thấm.

“Giờ đây chúng ta đã có nhóm cốt cán cho thế hệ kế tiếp trong nội các… Xây dựng ban lãnh đạo và chuẩn bị cho việc chuyển giao là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi. Không có gì thay đổi lịch trình hoặc nỗ lực của tôi nhằm chú trọng vào quá trình chuyển giao”, ông Lý Hiển Long trấn an người dân.

Ông Lý Hiển Long cũng cho biết, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, nhân vật mà một số người xem là ứng viên thủ tướng tương lai, đã sẵn sàng trở lại làm việc sau khi bị đột quỵ trong một cuộc họp chính phủ hồi tháng 5.

“Điều đáng mừng là ông Swee Keat sẽ trở lại làm việc”, ông Lee cho biết, nói thêm rằng Lawrence Wong, Bộ trưởng phát triển quốc gia, sẽ trợ giúp ông Heng, 54 tuổi, trong Bộ Tài chính.

Đảng Hành động Nhân dân (PAP) của ông Lý Hiển Long, vốn lãnh đạo đảo quốc sư tử từ năm 1959, đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 năm ngoái với 69,9% phiếu bầu và 83 trong số 89 ghế quốc hội. Cuộc tổng tuyển cử được tiến hành 6 tháng sau khi Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời ở tuổi 91.

Nhà quan sát chính trị lâu năm Eugene Tan cho rằng những bình luận của ông Lý Hiển Long về việc khi nào ông từ chức đã cho thấy “lịch trình cụ thể nhất cho tới nay về việc kế nhiệm. “Chúng ta đang hướng đến 6 năm tới. Có một số lo ngại về việc liệu đã có một ứng viên rõ ràng hay chưa”, ông Tan nói.

Thời gian từ khi ứng viên thủ tướng được nêu tên tới khi người này nhậm chức sẽ ngắn hơn so với các đợt thay đổi ban lãnh đạo trước đó: trường hợp của ông Lý Hiển Long là 14 năm và ông Goh là 5 năm. Trong cả hai trường hợp trước, thủ tướng mới do các thành viên trong nội các chọn lựa.

Những gương mặt tiềm năng

Mặc dù các “phó tướng” của ông Lý là ông Teo và ông Tharman được xem là nằm ngoài cuộc đua thì các cuộc thảo luận đã xuất hiện trở lại về việc Phó thủ tướng Tharman có thể là người kế nhiệm xứng đáng bởi năng lực tốt. Trên mạng, ít nhất một người Singapore nổi tiếng là đã dẫn tên ông này là đóng góp cho một “tương lai mà tất cả chúng ta có thể tin tưởng”.

Nhưng một viễn cảnh có khả năng xảy ra hơn sẽ là tìm kiếm một người trẻ hơn vì sự chú trọng tới đổi mới. “Khoảnh khắc quyết định sẽ là khi ai đó từ thế hệ lãnh đạo thứ 4 được bổ nhiệm làm phó thủ tướng”, ông Tan nói.

“Bất kỳ ai từng nghĩ rằng Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat có thể là người kế nhiệm sẽ buộc phải nghĩ lại vì tình hình sức khỏe gần đây của ông ấy”, ông Tan, một giáo sư ngành luật tại Đại học quản lý Singapore, nhận định.

Bộ trưởng Heng, một cựu lãnh đạo ngân hàng, đã lãnh đạo vài ủy ban quan trọng của chính quyền trước khi bị đột quỵ trong một cuộc họp nội các hồi tháng 5. Ông Heng đã trở lại làm việc gần đây, sau 6 tuần điều trị trong bệnh viện và tiếp tục hồi phục tại nhà.

Bản thân ông Lý Hiển Long từng trải qua một cuộc phẫu thuật thành công ung thư tuyến tiền liệt vào tháng 2/2015. Ông Lý sau đó cho biết các bác sĩ đã hoàn toàn khỏi bệnh sau cuộc phẫu thuật. Năm 1992, Lý Hiển Long bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư bạch cầu, phải trải qua hóa trị và hiện đã khỏi bệnh.

Các nhà phân tích chính trị cho hay ông Chan Chun Sing, Tổng thư ký Liên đoàn Lao động quốc gia (NTUC), là một ứng viên tiềm năng cho ghế thủ tướng. Cựu lãnh đạo quân đội hiện là một bộ trưởng trong nội các.

Một ứng viên khác là quyền Bộ trưởng giáo dục Ong Ye Kung, một cựu công chức cấp cao từng là thư ký riêng cho Thủ tướng Lý Hiển Long.

Ông Chong Ja Ian, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng thủ tướng tương lai cần phải cho thấy khả năng xử lý sự đa nguyên về xã hội và chính trị lớn hơn tại Singapore.

Thủ tướng Lý Hiển Long đã đối mặt với sự chỉ trích từ các nhà hoạt động vốn cáo buộc chính phủ của ông hạn chế các quyền tự do dân sự trong những năm gần đây.

Hồi tháng trước, Lý Vỹ Linh, em gái ông Lý Hiển Long và là người con thứ 2 trong số 3 người con của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, đã chỉ trích chính phủ hiện thời khi quốc hội thông qua một dự luật mà bà cho rằng sẽ hạn chế “quyền tự do ngôn luận”. Hồi tháng 4, bà Lý cũng cáo buộc anh trai "lạm quyền", điều mà ông Lý Hiển Long bác bỏ.

Theo Theo Dân Trí