Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, quận Đống Đa (Hà Nội), cho biết, từ trước đến nay, trường học chỉ được quyền tuyển dụng giáo viên hợp đồng. Còn nhà trường thiếu giáo viên biên chế các bộ môn sẽ đề xuất trình lên cấp trên và cấp trên trình ngành Nội vụ. Ngành Giáo dục sẽ phối hợp với Nội vụ để tuyển dụng nhà giáo và giao về cho các trường thiếu. “Do đó nếu trả quyền tuyển dụng đội ngũ cho ngành Giáo dục sẽ giảm được những phiền hà về thủ tục hành chính đồng thời cũng trả quyền tự chủ cho ngành. Khi đó, câu chuyện tuyển dụng con người cho ngành sẽ thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh, trúng, đúng nhu cầu. Khi giao quyền cho ngành vẫn nên có sự tương tác phối hợp với các ngành khác nhằm quản lý hài hòa, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ”, bà Yến nói.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, chia sẻ, công tác quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Tại các địa phương, quản lý nhân sự thuộc phòng Nội vụ vì vậy hầu hết UBND cấp huyện giao cho phòng Nội vụ chủ trì tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều chuyển, bổ nhiệm nhà giáo. “Điều này hạn chế vai trò tham mưu của Phòng GD&ĐT về chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa, thiếu cục bộ. Việc bố trí đội ngũ về cả số lượng, chất lượng, cơ cấu cũng phụ thuộc trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện”, ông Thành nói.
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước có gần 1,6 triệu nhà giáo, chiếm số lượng lớn trong tổng số nguồn nhân lực của quốc gia. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng từng nói rằng, ngành Giáo dục không nắm quyền tuyển dụng giáo viên mà chỉ ở vai luôn luôn đi “kiến nghị, đề xuất”.
Theo ông Thành, các quy định hiện hành cũng gặp khó khăn về thuyên chuyển viên chức giữa các đơn vị trực thuộc. Hay quy định phân cấp quản lý cũng dẫn đến không thực hiện được việc điều động giáo viên từ huyện này sang huyện khác. “Ví dụ tại Nghệ An, hiện nay đội ngũ giáo viên các cấp được giao còn thiếu so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học tiểu học, THCS, THPT do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Thành thông tin.
Từ thực tế đó, ông Thành cho rằng, phải đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo, trong đó cần có điều kiện, tiêu chuẩn riêng và phân cấp cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu là cần thiết.
Quản lý chồng chéo
Góp ý cho Dự thảo Luật Nhà giáo, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cũng cho rằng, việc quản lý biên chế còn chồng chéo giữa cơ quan Nội vụ và Giáo dục. Do đó, ngành Giáo dục không chủ động được việc phân bổ, điều động, bố trí sử dụng biên chế giáo viên, nhất là giáo viên thuộc cấp học THCS, Tiểu học, giáo dục Mầm non để thực hiện nhiệm vụ hằng năm giữa các địa phương trong tỉnh. Nhiều cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. “Từ những bất cập, hạn chế đó, cần xem phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng. Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GD&ĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh”, ông Bằng nói.
Một chuyên gia khác cũng nói, ở đây đang có nghịch lý, ngành giáo dục không nắm quyền tuyển dụng, điều động giáo viên sẽ dẫn đến bất cập, chỗ thừa chỗ thiếu. Tuy nhiên cũng cần phải cân nhắc vấn đề giao quyền tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục. Yêu cầu phải chọn người có năng lực, làm được việc, nhưng liệu hiệu trưởng, trưởng phòng GD&ĐT nếu được trao quyền liệu có chọn được người như mong muốn hay sẽ bị tác động bởi chỗ này, chỗ khác.
Thảo luận tại phiên họp ở tổ, đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An): “Lâu nay, chúng ta nói đội ngũ nhà giáo thiếu khoảng 120.000 người, trong đó 72.000 người chưa tuyển dụng được. Nguyên nhân chậm tuyển dụng là do nhiều tầng lớp, như qua phòng nội vụ rồi quay ngược lại phòng giáo dục, rồi lại quay trở về phòng nội vụ, 3-4 vòng làm chậm tuyển dụng, dẫn đến khai giảng năm học mới rồi nhưng giáo viên vẫn chưa có”.