Khái niệm vận hành kháng chiến được phát triển vào năm 2013 sau cuộc chiến của Nga với Gruzia vài năm trước đó, nhưng giá trị của nó chỉ được nhận ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, CNN đưa tin ngày 27/8.
Học thuyết kháng chiến
Hoạt động kháng chiến cung cấp một kế hoạch chi tiết cho các quốc gia nhỏ hơn để chống lại một cách hiệu quả và đối đầu với một nước láng giềng lớn hơn tấn công mình. Việc Nga sáp nhập Crimea mà không phải nổ súng đã khiến Ukraine và phương Tây choáng váng. Họ đang tăng cường nghiên cứu cách xây dựng kế hoạch phòng thủ tổng thể không chỉ bao gồm quân đội mà còn cả dân sự. Và xung đột Nga-Ukraine từ cuối tháng 2 đang chứng minh cho hiệu quả của phương pháp này.
Học thuyết “Khái niệm hoạt động kháng chiến” (ROC) cung cấp một cách tiếp cận sáng tạo và độc đáo đối với chiến tranh và phòng thủ tổng lực. ROC đã hướng dẫn không chỉ quân đội Ukraine mà còn thu hút sự tham gia của dân thường như một phần của cuộc kháng chiến phối hợp chống lại quân đội Nga.
Trung tướng đã nghỉ hưu Mark Schwartz, người giữ chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt châu Âu trong giai đoạn học thuyết được phát triển, nói: “Tất cả đều sẵn sàng về mặt bảo vệ toàn diện cho chính phủ Ukraine. Họ đang sử dụng mọi nguồn lực và một số phương tiện độc đáo để phá vỡ quân đội Nga”.
Hồi đầu năm nay, nhiều người cho rằng, Nga sẽ tấn công nhiều khu vực của Ukraine rồi giành chiến thắng trong vòng vài tuần, thậm chí vài ngày. Ông Schwartz nói: “Đây là một cách để lật ngược tình thế trước một cường quốc thế giới”.
Kevin Stringer, đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, người lãnh đạo nhóm phát triển khái niệm kháng chiến, nhận thấy dấu hiệu của việc sử dụng phương pháp kháng chiến trong một loạt vụ tấn công và vụ nổ gần đây tại các vị trí của Nga ở Crimea. “Vì bạn không thể làm điều đó theo cách thông thường, bạn sẽ sử dụng các lực lượng đặc nhiệm, và họ sẽ cần hỗ trợ kháng chiến - thông tin tình báo, nguồn lực, hậu cần - để tiếp cận những khu vực này”, ông Stringer nói.
Theo một báo cáo của chính phủ Ukraine được chia sẻ với CNN, Ukraine đứng sau các cuộc tấn công vào các căn cứ của Nga và một kho đạn dược. Các cuộc tấn công, ở phía sau chiến tuyến của đối phương, nằm ngoài tầm bắn của vũ khí mà Mỹ và những nước khác đã công khai gửi tới Ukraine. Các video về vụ nổ dường như không cho thấy bất kỳ tên lửa hoặc máy bay không người lái nào đang bay tới. Nga đổ lỗi cho việc phá hoại hoặc kích nổ kho đạn.
Đặc nhiệm Mỹ giúp huấn luyện các đơn vị Ukraine
“Rất hợp lý khi các nguyên tắc của ROC đang phát huy tác dụng trong chiến sự thực tế hiện nay”, ông Stringer nói. Đầu tháng 4, tướng Richard Clarke, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt Mỹ, nói trong cuộc điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng, Washington đã giúp đào tạo các đơn vị kháng chiến ở Ukraine với sự tham gia của các lực lượng đặc nhiệm trong 18 tháng qua.
Khi được hỏi liệu ông có nhìn thấy một số thành công của khóa huấn luyện đó trong cuộc xung đột hiện tại hay không, tướng Clarke trả lời “Có”.
Thời kỳ đầu của xung đột Nga-Ukraine, chính phủ Ukraine đã tạo ra một trang web giải thích nhiều cách khác nhau để chống lại các lực lượng đối phương. Trang web mô tả nhiều cách sử dụng các hành động bất bạo động, bao gồm tẩy chay các sự kiện công cộng, đình công, thậm chí cả cách sử dụng sự hài hước và châm biếm. Mục đích là phá vỡ khả năng cầm quyền của các chính quyền thân Nga trong khi nhắc nhở người dân về chủ quyền hợp pháp của Ukraine.
Học thuyết kháng chiến cũng đề xuất các hành động bạo lực, bao gồm sử dụng bom xăng, cố tình đốt cháy và cho hóa chất vào bình xăng để phá hoại phương tiện của đối phương.
Học thuyết cũng kêu gọi một chiến dịch nhắn tin rộng rãi để kiểm soát tường thuật về cuộc xung đột, ngăn chặn thông điệp của phe chiếm đóng và giữ cho dân số đoàn kết. Video về các cuộc tấn công của Ukraine chống lại xe tăng Nga, thường với nhạc nền là nhạc pop hoặc heavy metal, đã được lan truyền mạnh mẽ. Ngoài ra còn lan truyền các clip về binh sĩ Ukraine giải cứu động vật đi lạc.
Dù có chủ ý hay không, những hoạt động đó cũng trở thành một phần của cuộc kháng chiến, cho phép hình ảnh Ukraine xuất hiện trên phương tiện truyền thông phương Tây theo hướng có lợi. Hình ảnh quân nhân Ukraine cũng trở nên gần gũi, đời thường hơn, trong khi phía Ukraine bôi đen hình ảnh binh sĩ Nga.
Đi đầu cuộc kháng chiến là Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky, người đã có những bài phát biểu hằng đêm và thường xuyên xuất hiện trên trường quốc tế. Các chuyến thăm của ông gần chiến tuyến làm cho tin tức xuất hiện khắp thế giới, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hiếm khi được nhìn thấy bên ngoài Điện Kremlin hoặc khu nghỉ mát ở thành phố Sochi.
Các cuộc chiến truyền thông đã thúc đẩy sự hỗ trợ Ukraine từ nước ngoài, các chính phủ phương Tây cung cấp nhiều vũ khí, đạn dược hơn cho Ukraine.
Khả năng chống đỡ, phục hồi
Nhìn chung, khái niệm kháng chiến cung cấp một khuôn khổ để tăng khả năng chống đỡ và phục hồi của một quốc gia. Đó là khả năng chống chọi với các áp lực bên ngoài và lập kế hoạch kháng chiến, được định nghĩa là nỗ lực của cả nước nhằm tái lập chủ quyền trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
“Khả năng chống đỡ là sức mạnh của xã hội trong thời bình, trở thành sức đề kháng trong thời chiến”, Dalia Bankauskaite, thành viên Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, người đã nghiên cứu về lập kế hoạch kháng chiến ở Lithuania, giải thích.
Thay vì cung cấp cho mỗi quốc gia một bộ kế hoạch giống nhau, học thuyết kháng chiến được thiết kế để phù hợp với dân số, khả năng và địa hình của mỗi quốc gia. Nó không nhằm mục đích tạo ra hoặc hỗ trợ một cuộc nổi dậy, mà là thành lập một lực lượng do chính phủ phê chuẩn để thực hiện các hoạt động chống lại người nước ngoài chiếm đóng với mục tiêu khôi phục chủ quyền.
Lúc đầu, chỉ có Estonia, Litva và Ba Lan bày tỏ sự nhiệt tình thực sự về học thuyết mới. Nhưng sau khi Nga sáp nhập Crimea gần như không đổ máu vào năm 2014 đã khiến Ukraine và phương Tây choáng váng, và sự quan tâm đến phương pháp kháng chiến tăng lên nhanh chóng.
Kể từ khi học thuyết kháng chiến được xây dựng, ít nhất 15 quốc gia đã tham gia một số hình thức đào tạo về học thuyết này, theo Nicole Kirschmann, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt châu Âu, cho biết.
Giữa tháng 11/2021, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra những cảnh báo công khai đầu tiên về khả năng Nga tấn công Ukraine, Hungary đã tổ chức một hội nghị về khái niệm hoạt động kháng chiến. Theo Kirschmann, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm của Ukraine đã có mặt tại hội nghị cùng đại biểu đến từ hơn chục quốc gia khác.
Việc Nga tấn công Ukraine chỉ làm tăng thêm sự quan tâm đến khái niệm kháng chiến. "Đặc biệt, các quốc gia vùng Baltic đang tích cực thảo luận tại quốc hội của họ về việc thực thi ROC ở cấp quốc gia", một quan chức Mỹ nói.