Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2015 thấp nhất trong 4 năm qua

Trong khi năm 2012, 2013, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt trên 97%, thậm chí năm 2014, tỷ lệ này là 99% thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay là trên 93%.

Chiều nay (23/7), Bộ GD-ĐT đã có kết quả tổng hợp kỳ thi THPT Quốc gia 2015 được thực hiện theo phương thức mới so với mọi năm. Năm 2012, 2013, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt trên 97%, thậm chí năm 2014, tỷ lệ này là 99%. Trong khi đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay là trên 93% đối với khối Trung học phổ thông, giảm gần 6% so với năm ngoái, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở khối Giáo dục thường xuyên cũng chỉ là 70%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Con số này nói lên điều gì? Bức tranh toàn cảnh của kỳ thi THPT quốc gia năm nay như thế nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia năm 2015.

Thưa Thứ trưởng, ông có cho rằng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 93% ở khối THPT và 70% ở khối Giáo dục thường xuyên đã phản ánh đúng chất lượng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nói khái quát, kỳ thi năm nay đã đạt mục tiêu chúng ta theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương là kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực cho xã hội, gia đình và thí sinh. Đồng thời cũng phản ánh đúng chất lượng giáo dục, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ và có tác dụng thúc đẩy việc đổi mới dạy và học trong các nhà trường. Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay thấp hơn năm trước gần 6%. Điều này thể hiện sát hơn với chất lượng giáo dục.

Như chúng ta biết, năm nay điểm thi vừa dùng xét tốt nghiệp, vừa dùng để tuyển sinh Đại học nên cũng hạn chế tình trạng học sinh giúp đỡ nhau trong phòng thi. Mặt khác cũng phụ thuộc vào đề thi, đề thi có tính chất mở, yêu cầu vận dụng năng lực chứ không phải chỉ nhớ một cách máy móc nên học sinh làm được với chất lượng như vậy thì tôi cho rằng rất là tốt.

Trước khi diễn ra kỳ thi, dư luận tỏ ra băn khoăn về chất lượng coi thi và chấm thi ở các cụm thi do địa phương chủ trì. Theo số liệu mà Bộ GD-ĐT cung cấp, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp ở cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%, còn tỷ lệ này ở cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì là 84,45%. Thưa Thứ trưởng, ông nhìn nhận như thế nào về con số này?

Những con số này phản ánh được thực chất chất lượng của hai loại cụm thi khác nhau. Các em học sinh học tốt hơn thường dự thi ở các cụm thi do trường Đại học chủ trì, các em học sinh chỉ thi để lấy kết quả tốt nghiệp thi ở địa phương trong đó có nhiều học sinh của hệ giáo dục thường xuyên. Chúng ta đã từng lo ngại rằng, có thể các cụm thi địa phương coi thi không nghiêm túc như cụm thi do các trường Đại học chủ trì thì tỷ lệ này cho thấy, lo ngại đó không có cơ sở.

Với các môn Sinh học, Địa lý, Ngữ văn, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, đa phần thí sinh đạt điểm trung bình từ 4 - 7 điểm. Riêng môn Ngoại ngữ điểm khá thấp, phần lớn chỉ từ 1,5 – 5 điểm. Đối với môn Toán, phổ điểm không "đẹp" như các môn khác. Thứ trưởng nhận định như thế nào về phổ điểm của các môn, đặc biệt của môn Ngoại ngữ và môn Toán?

Phân tích phổ điểm năm nay, Bộ GD-ĐT thấy rằng, phổ điểm năm nay "đẹp" hơn năm trước. Cụ thể, thể hiện tính phân hóa hơn, đa số học sinh đạt điểm trung bình, một số ít hơn học sinh điểm thấp, một số ít hơn là điểm cao. Điều này thể hiện đúng thực chất phân bố chất lượng. Tất nhiên, với từng môn có sự khác nhau. Môn Ngoại ngữ, nhiều học sinh đạt điểm thấp đã phản ánh thực trạng chất lượng dạy và học Ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu và đây cũng là nguyên nhân mà chúng ta đang thực hiện đề án đổi mới dạy và học Ngoại ngữ. Đối với môn Toán, điểm cũng phân bố nhưng phân bố không "đẹp" như những môn khác tuy nhiên, nó không ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh nhiều như các môn khác.

Phổ điểm không tốt ở môn Toán và Ngoại ngữ, như vậy tập trung vào khối D. Nhìn tổng thể, ông cho rằng có ảnh hưởng như thế nào đến điểm xét tuyển vào Đại học năm nay? Các em khối D có chịu thiệt?

Việc xét tuyển Đại học phụ thuộc vào việc phân bố điểm chứ không phụ thuộc vào điểm cao hay điểm thấp. Khi điểm đã phân bố thì những em học sinh nào điểm cao hơn sẽ được xét tuyển trước chứ không phải vì điểm thấp mà các em học sinh bị thiệt thòi trong tuyển sinh.

Kinh nghiệm nào được Bộ GD-ĐT rút ra sau khi nhìn thấy phổ điểm do chính Bộ tổng hợp?

Có được kết quả như năm nay là quá trình nhiều năm qua chúng ta cố gắng thay đổi cách thức ra đề thi, áp dụng những kỹ thuật mới hiện đại của thế giới trong việc ra đề. Việc phân tích phổ điểm, phân tích các câu hỏi để rút kinh nghiệm trong việc ra câu hỏi như thế nào để đánh giá trình độ học sinh khác nhau.

Đến ngày 1/8, công tác xét tuyển Đại học, Cao đẳng sẽ chính thức khởi động với lần xét tuyển nguyện vọng 1. Ông có lời khuyên nào với thí sinh khi xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng?

Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm trước hết để phục vụ các em học sinh tham khảo. Các em học sinh nhìn điểm của mình đứng ở vị trí nào, có bao nhiêu người điểm cao hơn mình, bao nhiêu người điểm thấp hơn mình, bao nhiêu người điểm bằng mình để lựa chọn trường có điểm chuẩn phù hợp.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Theo VTV