Tỷ giá VND/USD bất ngờ tăng 1%

TPO - Trong thông báo vừa phát đi sáng nay (19/8), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bất ngờ công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Tăng để đủ dư địa đối phó với diễn biến thế giới

Như vậy, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/-3%, thì tỷ giá trần là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD. NHNN khẳng định để chủ động, linh hoạt ứng phó với việc đồng Nhân dân tệ được điều chỉnh giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, ngày 12/8/2015, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%. Diễn biến thị trường trong nước, quốc tế và ngay tại Trung Quốc những ngày sau đó cho thấy đây là một giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và được dư luận đánh giá tích cực.

Tuy nhiên, tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất. Nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD áp dụng cho ngày 19/8/2015, đồng thời ban hành Quyết định số 1636/QĐ-NHNN ngày 18/8/2015 quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép, theo đó, biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ được điều chỉnh tăng từ +/-2% lên +/-3%.

Theo NHNN, với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

VND chịu sức ép giảm giá

Trước đó, ngày 18/8, công ty chứng khoán MBS cũng đã phát đi phân tích cho thấy, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá VND/USD thêm 1 – 2% nữa trong năm nay nhằm giảm sức ép này song vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá một cách tương đối nhằm không gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô.

Theo MBS, các yếu tố chính đang gây sức ép giảm giá lên VND gồm có: sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, Việt Nam đã nhập siêu trở lại với mức nhập siêu là 3.4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2014. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu tăng chậm hơn nhập khẩu. Ngoài ra, trên thế giới, USD đang tăng giá dần lên so với các ngoại tệ mạnh khác như Euro, Yên, Bảng Anh… do Mỹ dự định nâng lãi suất điều hành trong năm nay trong khi các nước lớn khác như EU, Nhật bản…vẫn đang nới lỏng tiền tệ. 

Bên cạnh đó, VND được “neo” vào USD và các giao dịch của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào tỷ giá VND/USD. Nếu USD tăng giá so với ngoại tệ mạnh khác mà NHNN không tăng tỷ giá VND/USD thì có nghĩa là VND trở nên mạnh hơn so với tiền của các nước khác, hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài trở nên 

đắt hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.

Theo công bố, dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam hiện nay là 37 tỷ USD.Như vậy dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ tăng 1 tỷ USD so với mức cuối năm 2014.Đây là mức tăng chậm nhất trong 3 năm qua.Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đứng ở mức thấp và chỉ tương đương 2.4 tháng nhập khẩu (tính trên kim ngạch nhập khẩu ước tính năm nay là 170 tỷ USD). Điều này khiến thị trường đánh giá thấp khả năng can thiệp, duy trì ổn định tỷ giá của NHNN và do đó càng gây thêm sức ép lên VND.