Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho hay, điều ngạc nhiên là trước đây, các trường nghề luôn tuyển ồ ạt sau khi các trường ĐH đã xét tuyển xong. Năm nay, lại có sự biến động đổi chiều khi chỉ mới trong tháng 8 nhưng nhiều trường đã tuyển gần đủ chỉ tiêu!
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh trên dưới 2 triệu học viên ở cả 3 hệ: cao đẳng, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Trong đó, tỉ lệ học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay chiếm khoảng trên 75%, ở một số nghề và một số trường nghề tỷ lệ này lên đến trên 90%.
Đặc biệt, các ngành nóng ở thời điểm hiện nay, các trường nghề đào tạo đến đâu doanh nghiệp xin đến đấy như: Điện dân dụng (sinh viên có việc làm 96%); Nghề Hàn (sinh viên có việc làm 91%); Nguội sửa chữa máy công cụ (91%); Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính (88%); Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí: 85%,...
Sau khi các trường nghề bàn giao học sinh, sinh viên, thường có yêu cầu doanh nghiệp đánh giá trình độ tay nghề cho thấy, 80% - 85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng chuyên môn được đào tạo, trong đó có 30% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng nghề từ khá trở lên. Ở một số nghề (nghề Hàn, nghề Dịch vụ nhà hàng, Nấu ăn, Thủy thủ tàu biển, điện, cầu đường, dầu khí, công nghệ thông tin...) kỹ năng nghề của một bộ phận lao động Việt Nam đã tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế.
Thưa ông, điểm mới trong mùa tuyển sinh trường nghề năm nay là gì? Nhiều trường nghề cam kết đầu ra có việc làm tới 90%, điều này có đúng không?
Đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên đăng ký theo học tại các cơ sở đào tạo nghề. Cụ thể, mức học phí của đa số các trường học viên phải đóng đều rất thấp chỉ từ 200.000 đồng - 350.000 đồng/ tháng. Học viên thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được miễn giảm học phí từ 50-100%, đặc biệt đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung cấp nghề được miễn 100% học phí. Chưa kể, đa số cơ sở đào tạo nghề hiện nay đều được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại nên khi vào học các em ở ký túc xá chi phí cực kỳ rẻ (chỉ khoảng 30.000 - 120.000 đồng/tháng) hoặc miễn phí.
Tổng cục xác định rõ cho các cơ sở đào tạo nghề, nhất là 45 trường nghề chất lượng cao, các trường có nghề trọng điểm phải đảm bảo đầu ra có việc làm cho học sinh, sinh viên. Các trường này từng bước hoạt động theo cơ chế tự chủ, nhà trường phải tự tìm kiếm các doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, liên kết tạo đầu ra. Và có một thực tế hiện nay là nhiều ngành nghề trường không đào tạo đủ để giới thiệu cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đến tận trường tài trợ học bổng, trả lương trước để “xí phần” sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đào tạo nghề tiêu chuẩn Úc
Đi liền với việc mở rộng hệ thống trường nghề, điểm yếu của lao động Việt Nam trong hội nhập như ngoại ngữ, tay nghề có được quan tâm, thưa ông?
Bên cạnh việc đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, đào tạo chú trọng kỹ năng nghề, ngoại ngữ đơn vị sẽ triển khai đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế với mục tiêu hết năm 2017 tiếp nhận, chuyển giao 34 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ nước ngoài. Khi đó, sẽ đào tạo thí điểm cho khoảng 2.750 sinh viên các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Đến thời điểm này, Bộ LĐTB&XH đã thực hiện chuyển giao 20 bộ chương trình của 20 nghề từ Malaysia và Úc.
Thời gian tới, bộ tiếp tục thực hiện chuyển giao 14 bộ chương trình của 14 nghề từ Đức. Đối với bộ chương trình được chuyển giao từ Úc, trong tháng 8 đến trung tuần tháng 9 này, 25 trường cao đẳng nghề chất lượng cao đang tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng theo tiêu chuẩn của Úc ở 12 nghề, sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng của Úc (chuẩn quốc tế), sinh viên ra trường nếu có nguyện vọng và đạt chuẩn quy định sẽ được học liên thông lên đại học của Úc (xin truy cập Website: tcdn.gov.vn – trang tuyển sinh).
Một điểm cốt lõi nữa của sinh viên để tham gia thị trường lao động quốc tế trong quá trình hội nhập chính là ngoại ngữ. Trong giai đoạn 2016 – 2020, các trường sẽ tổ chức đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc cho gần 900 sinh viên, đầu vào sinh viên phải có trình độ tiếng Anh A2 theo khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu, và được nhà trường tổ chức đào tạo khoảng 6 tháng tiếng Anh để đạt trình độ tiếng Anh B1 theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Với chương trình này, sinh viên theo học nghề hoàn toàn bằng ngoại ngữ, giáo viên giảng dạy đã được phía Úc kiểm định và công nhận đạt chuẩn giáo viên của Úc, sinh viên tốt nghiệp được cấp 02 bằng (của Việt Nam và của Úc).
Giai đoạn từ 2017 – 2020, tiếp tục đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức thí điểm cho khoảng 2.750 sinh viên các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Sau năm 2020 khi kết thúc đào tạo thí điểm sẽ tổ chức đánh giá để tiếp tục đào tạo nhân rộng tại các trường cao đẳng của Việt Nam, sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng quốc tế (Úc, Đức), góp phần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động khu vực ASEAN và thế giới.
Nhiều học sinh đăng ký học nghề là tín hiệu vui tuy nhiên hệ thống trường nghề làm gì để đào tạo trúng nhu cầu của thị trường, nếu không trong ít năm nữa sẽ diễn ra cảnh: nghề thừa, nghề thiếu?
Hàng năm, Bộ lao động Thương binh và Xã Hội đều có đơn vị khảo sát, điều tra nhu cầu các ngành nghề trên thị trường. Từ đó, có chỉ thị yêu cầu các trường tập trung đào tạo ngành mũi nhọn. Học viên khi đăng ký vào trường nghề bên cạnh đam mê, sở thích trường nào cũng có ban tuyển sinh, tư vấn tình hình thị trường để thí sinh hiểu và có quyết định chọn lựa. Tôi lấy ví dụ, những ngành nghề có tỉ lệ việc làm cao những năm gần đây luôn hút thí sinh, trong khi những nghề như; Kế toán, Văn thư lưu trữ… đã có rất ít học viên chọn lựa.